Bức tranh Lễ trao sắc ấn cho sứ bộ triều Tây Sơn
Bảo tàng tỉnh hiện đang trưng bày bản sao chụp bức tranh vua Càn Long triều Thanh (Trung Quốc) trao sắc ấn cho sứ bộ triều Tây Sơn (ảnh). Theo sử liệu, sau khi đại thắng quân Thanh vào Tết Kỷ Dậu (1789), vâng mệnh vua, Ngô Thì Nhậm dẫn đầu sứ đoàn sang Yên Kinh trao trả tám trăm tù binh và cầu phong. Vua Càn Long chấp nhận nhưng lại mời đích thân vua Quang Trung sang triều kiến nhân lễ mừng bát tuần khánh thọ của mình.
Đầu năm Canh Tuất (1790), vua Quang Trung lại sai Ngô Thì Nhậm dẫn đầu sứ đoàn Đại Việt sang Trung Quốc mừng thọ vua Càn Long. Đoàn sứ bộ gồm hơn 150 người, ngoài giả vương còn có Nguyễn Quang Thùy (con trai vua Quang Trung), Ngô Văn Sở, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn, Nguyễn Duật...
Liên quan đến sự kiện này, có rất nhiều sách sử ghi chép lại, theo sách Tây Sơn thuật lược, người đóng giả vua Quang Trung là Đô đốc Nguyễn Hữu Chấn; sách Lê quý dật sử, Nghệ An ký đều chép là Nguyễn Chấn; sách Lê Triều sử ký cho là Ngô Văn Sở. Trong khi đó, sách Đại Nam liệt truyện của Quốc Sử quán triều Nguyễn cho biết nhân vật đóng giả vua là Phạm Công Trị, cháu gọi vua Quang Trung bằng cậu. Còn theo Hoàng Lê nhất thống chí thì giả vương là Nguyễn Quang Trị, một võ tướng ở tỉnh Nghệ An.
Sách Hoàng Lê nhất thống chí chép lại như sau: “Về số đồ lễ, ngoài lệ chức phương, lại có dâng thêm đôi voi đực nữa. Trong khi đi đường, người Tàu phục dịch cực kỳ vất vả; kẻ trong người ngoài, ai cũng biết là giả dối mà không dám nói ra. Lúc tới Yên Kinh, vua Thanh tưởng là vua Quang Trung thật, rất lấy làm mừng. Đến lúc vào chầu, vua Thanh cho cùng ăn yến với các thân vương và cho đặc ân được ôm vào gối, như thể cha con người nhà. Đến khi lạy tạ xin về, vua Thanh lại sai thợ vẽ vẽ tượng truyền thần ban cho, ân lễ rất trọng hậu, xưa nay chưa từng có bao giờ”.
Mặc dù có nhiều sách sử ghi chép khác nhau về nhân vật đóng giả vua Quang Trung trong phái đoàn Đại Việt sang Trung Quốc, nhưng việc vua Càn Long tiếp đón sứ bộ triều Tây Sơn trọng thị là dấu mốc quan trọng trong lịch sử bang giao giữa vương triều Tây Sơn và Thanh triều. Chuyến đi này là một thắng lợi rất vẻ vang về tài ngoại giao của vua Quang Trung trong việc thiết lập quan hệ giao hảo với Trung Quốc mà các triều đại trước đó chưa từng có.
ĐOAN NGỌC