Lãi vay tăng nhẹ, doanh nghiệp lo lắng
Thời gian gần đây, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại liên tiếp được điều chỉnh, đa phần theo hướng tăng đối với nhiều kỳ hạn và áp dụng cho cả phương thức tiền gửi tại quầy lẫn gửi online. Ðiều này khiến nhiều DN lo lắng về nguy cơ tăng lãi suất cho vay.
Cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm vẫn “nóng” và có dấu hiệu lan rộng khi nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất từ cuối tháng 4.2022 và đầu tháng 5.2022.
Lãi suất tiền gửi tăng khiến cho khách hàng có nhu cầu vay vốn để tái đầu tư khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) lo lắng rằng lãi cho vay sẽ tăng theo. Theo cộng đồng DN, trước đây DN không dám đẩy mạnh vay vốn ngân hàng vì lo ngại dịch Covid-19, nhưng thời điểm này, kinh tế đang phục hồi, nhu cầu vay vốn để tái đầu tư, phát triển SXKD tăng cao, nếu các ngân hàng tăng lãi suất sẽ gia tăng áp lực lên DN.
Khách hàng giao dịch tín dụng tại Agribank Bình Định. Ảnh: TIẾN SỸ
Kinh doanh trên lĩnh vực vận tải hành khách, ông Trần Sơn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh vận tải Sơn Tùng cho hay, chuyển sang trạng thái bình thường mới, nhu cầu đi lại của hành khách nhiều hơn trước, nhưng giá xăng dầu và nhiều chi phí khác tăng, nên lợi nhuận không đáng kể, hoạt động kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn. Công ty hiện đang cần vốn để duy trì và phát triển kinh doanh, nếu ngân hàng tăng lãi suất cho vay chắc chắn những DN hoạt động kinh doanh vận tải hành khách như chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn.
Lo lắng của các DN là hoàn toàn có cơ sở khi lãi suất cho vay tại một số ngân hàng đã bắt đầu nhích dần lên. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bình Định (BIDV Bình Định) đã điều chỉnh tăng lãi suất cho vay ở nhiều kỳ hạn với mức từ 0,1 - 0,6%. Hiện BIDV Bình Định áp dụng lãi suất cho vay kỳ hạn 5 tháng là 7,3%/năm; 8 tháng là 7,8%/năm; 11 tháng là 8,5%/năm và từ 12 tháng trở lên là 9,5%/năm. “Lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng tăng theo là điều dễ hiểu. Việc điều chỉnh lãi suất cho vay tăng dần, đảm bảo cân đối cơ cấu nguồn vốn, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng”, đại diện BIDV Bình Định cho hay.
Tương tự, lãi suất cho vay tại Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Bình Định (Agribank Bình Định) cũng bắt đầu nhích nhẹ. Hiện Agribank Bình Định áp dụng lãi suất cho vay đối với tổ chức, DN vay vốn kỳ ngắn hạn để kinh doanh là 7,5%/năm; kỳ hạn trung và dài hạn lãi suất 10%/năm. Đối với cá nhân vay vốn ngắn hạn để phục vụ kinh doanh, lãi suất 7,5% và vay phục vụ đời sống lãi suất 9,3%; kỳ trung và dài hạn hiện là 10,3%/năm.
Trong khi đó, đến nay nhiều ngân hàng khác như: Vietcombank, Bắc Á Bank, Techcombank, Việt Nam Thịnh Vượng… vẫn ổn định lãi suất cho vay so với các tháng trước đó. Tuy nhiên, các NHTM cho rằng, khó có thể duy trì điều này được mãi. Ông Lê Thanh Phượng, Giám đốc Ngân hàng Bắc Á Bank - Chi nhánh Bình Định (Bắc Á Bank Bình Định), cho biết: Hiện chúng tôi đang áp dụng lãi suất cho vay kỳ hạn 6 tháng đối với DN là 6,5%/năm, cá nhân là 7,5%/năm; kỳ trung và dài hạn là 9,5%/năm. Tùy vào tình hình thực tế khả năng tài chính, cơ cấu nguồn vốn, chiến lược kinh doanh, nhu cầu vay vốn DN và người dân, ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiền vay phù hợp.
Theo ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Định, việc các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tăng hay duy trì ổn định lãi suất cho vay phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh và chỉ đạo từ hội sở. Phía Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi sát sao hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh. Tại cuộc họp trực báo tháng 2.2022 các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, Chi nhánh đã quán triệt đến các ngân hàng tinh thần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh; vừa đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và của tỉnh Bình Định, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận vốn vay để khôi phục, phát triển SXKD, góp phần phục hồi kinh tế.
PHẠM TIẾN SỸ