Xây dựng nhiều mô hình tiếp sức cho nông dân
Mới đây, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ nông dân xây dựng và phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021 - 2025” giai đoạn năm 2022 với mục tiêu cụ thể: Xây dựng được 20 mô hình hộ nông dân sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tăng thu nhập 20 - 30% so với cách làm cũ. Đồng thời, kết nối hộ nông dân với các đơn vị nghiên cứu, chính quyền các cấp, các DN, HTX liên quan, từng bước gỡ những nút thắt trong hỗ trợ nông dân.
Theo chia sẻ của các hộ nông dân, trong liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, cái khó của nông dân là thiếu vốn và khoa học công nghệ. Khi muốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, trang thiết bị máy móc, đặc biệt trong lĩnh vực thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản, các ứng dụng khoa học công nghệ mới không có nhiều, hoặc không phù hợp với quy mô sản xuất, kinh doanh cỡ nhỏ.
Mô hình sản xuất sản phẩm trà thảo mộc của hộ kinh doanh Nguyễn Cảnh Duy ở huyện Vân Canh. Ảnh: THU DỊU
Hai cái khó này trở thành rào cản trong việc phát triển kinh tế hộ cá thể. Chính vì thế, UBND tỉnh phê duyệt Đề án, giao Hội Nông dân tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương xây dựng mô hình liên kết chuỗi với 6 nhà gồm: Nhà nước - Hội nông dân - Nông dân - Nhà khoa học - Ngân hàng - DN, mở cơ hội giúp nông dân thay đổi tư duy trong sản xuất; chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo quy mô hàng hóa, sản xuất có trách nhiệm với môi trường.
Chia sẻ tại hội nghị triển khai đề án, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Agribank Bình Định, cho biết: Ngân hàng có gói tín dụng ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thông qua hội nghị này, Agribank trao đổi về cơ chế, chính sách cho vay trong liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp; đồng thời thông qua kênh này mở rộng thị phần. Về phía Hội Nông dân đứng ra làm vai trò kết nối, tổ chức các buổi đối thoại, hội nghị liên quan tới nhu cầu vốn tín dụng để các ngân hàng - nông dân cùng tìm được tiếng nói chung.
Tương tự, bà Cao Võ Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở KH&CN, có những trao đổi, chia sẻ cụ thể về giải pháp trong nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho nông sản… hỗ trợ tối đa cho nông dân trong tỉnh.
Cùng với đó, một số DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thông tin về kế hoạch xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân, từng bước đưa tới sự hợp tác bền vững.
Theo ông Đỗ Thiện Chế, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng Ban quản lý, điều hành Đề án, hội nghị bước đầu ghi nhận các thông tin, trao đổi, góp ý, tham luận của các đại biểu, từ đó tạo cơ sở để Hội Nông dân triển khai Đề án về cơ sở tốt hơn; giúp nông dân từng bước loại bỏ khó khăn, rào cản để hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị kinh tế.
QUANG BẢO