Giữ bình yên vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thời gian qua, công an các địa phương trong tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở xây dựng các mô hình sáng tạo, sát dân, gần dân, kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phát sinh; góp phần giữ vững an ninh trật tự ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, thời gian qua, CA huyện Vĩnh Thạnh đã chú trọng xây dựng, nhân rộng và duy trì hoạt động các mô hình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
CA huyện Vân Canh tổ chức tuyên truyền về trật tự ATGT trong thanh thiếu niên tại làng Hiệp Hưng, xã Canh Hiệp. Ảnh: N.H
Thượng tá Huỳnh Kim Phụng, Trưởng CA huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Trong năm 2021, CA huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn CA các xã, thị trấn xây dựng mới và nhân rộng 7 mô hình phòng, chống tội phạm, tự phòng, tự quản trong bảo vệ ANTT tại cơ sở. Trong đó, nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực như “Nông dân nói không với bạo lực, bạo hành gia đình” tại thôn Tà Lét, xã Vĩnh Hiệp; “Gia đình hội viên nông dân không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” tại thôn Vĩnh Quang, xã Vĩnh Quang; “Tổ tự quản về ANTT” tại thôn Định Nhất, xã Vĩnh Hảo; “Camera giám sát ANTT” ở xã Vĩnh Hòa; “Làng văn hóa, không có tệ nạn tự tử, bạo lực gia đình và các hành vi vi phạm pháp luật khác” ở làng Kon Trú, xã Vĩnh Kim…
Đến nay, toàn huyện Vĩnh Thạnh đã duy trì, nhân rộng 16 mô hình phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT tại 29 điểm thôn, làng, cơ quan, DN, nhà trường. Gắn với các mô hình, CA huyện Vĩnh Thạnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Nhờ vậy, tình hình ANTT trên địa bàn huyện thời gian qua luôn được giữ ổn định, không xảy ra các vấn đề phức tạp, nhân dân yên tâm lao động phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Ông Đinh Khư, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh), cho hay: Làng Kon Trú với 40 hộ dân, 148 nhân khẩu, trước đây là địa bàn phức tạp về ANTT. Từ giữa năm 2017, xã thành lập mô hình “Làng văn hóa, không có tệ nạn tự tử, bạo lực gia đình và các hành vi vi phạm pháp luật khác”, tình hình ANTT từ đó đến nay luôn được giữ ổn định. Nhờ sự phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cấp, các ngành, cùng các tổ an ninh, tổ hòa giải (với thành phần là các già làng, người có uy tín) đã góp phần đảm bảo ANTT tại địa phương.
Còn tại huyện miền núi An Lão, đến nay, địa phương đã xây dựng, nhân rộng 5 mô hình tự quản về ANTT tại 144 cơ quan, DN, nhà trường, các khu dân cư. Đáng chú ý là việc xây dựng mô hình “Thôn Tân An (xã An Tân) không có tội phạm và tệ nạn ma túy” mang lại hiệu quả cao, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc huyện An Lão, từ việc xây dựng, nhân rộng các mô hình bảo vệ ANTT, trong năm 2021, nhân dân đã cung cấp trên 70 tin báo có giá trị phục vụ quá trình điều tra, giải quyết các vụ việc liên quan đến ANTT trên địa bàn. Qua đó, vận động thu hồi 5 súng độ chế, giải quyết 33 vụ việc liên quan đến ANTT, hòa giải thành công trên 30 vụ việc…
Tại Vân Canh, toàn huyện đã xây dựng 17 mô hình quần chúng nhân dân tham gia đảm bảo ANTT, với khoảng 200 người tham gia tại 7/7 xã, thị trấn. Đáng chú ý là mô hình “thôn, làng 3 không” (không để Fulro, Đề Ga móc nối hoạt động; không để tôn giáo tuyên truyền phát triển trái phép; không để tập tục lạc hậu phục hồi, phát triển và nhân dân tự giải quyết các mâu thuẫn xảy ra ở cơ sở) tại các xã Canh Thuận, Canh Hòa, Canh Liên… đã góp phần giữ vững an ninh chính trị vùng đồng bào DTTS.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Canh Thuận Phạm Minh Sơn đánh giá: Từ khi mô hình “3 không” được triển khai trên địa bàn, tình hình an ninh chính trị được giữ ổn định, bà con yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống. Trong công tác đảm bảo ANTT, địa phương đã tranh thủ các già làng, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước. Nhờ đó, phong trào đã triển khai rộng khắp đến tận các khu dân cư, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia và đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Tự phòng, tự quản, tự chống, tự bảo vệ, tự hòa giải
Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong thời gian đến, CA các địa phương tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động, nâng cao tinh thần đấu tranh, phòng chống tội phạm. Đặc biệt, phát huy vai trò nòng cốt của các già làng, người có uy tín trong việc vận động, tuyên truyền người dân ở các thôn, làng tham gia bảo vệ ANTT. Đẩy mạnh việc xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo vệ ANTT để nhân dân tự phòng, tự quản, tự chống, tự bảo vệ, tự hòa giải, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
NGUYỄN HÂN