Gạo Việt Nam trong cuộc đua xuất khẩu sang ASEAN
Việt Nam đang so kè trực tiếp với gạo Thái Lan tại các nước ASEAN - thị trường ngày càng khó tính về chất lượng và cạnh tranh về giá.
Nhận xét này được các tham tán thương mại Việt Nam nêu tại phiên tư vấn xuất khẩu gạo sang thị trường ASEAN, ngày 5.5.
Với số dân gần 700 triệu dân, ASEAN là thị trường có nhiều nét tương đồng về văn hóa, lối sống... với Việt Nam. Đây cũng là thị trường nhập khẩu nhiều loại hàng hoá, nông sản từ Việt Nam, trong đó có gạo. Trong đó, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo Việt lớn nhất, tiếp theo là Indonesia.
Ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam, cho biết năm 2020, sản lượng gạo Việt Nam và Thái Lan nhập khẩu tương đương nhau, nhưng hiện gạo Việt có xu hướng vượt lên do chất lượng và giá cạnh tranh.
Cơ cấu gạo Việt xuất khẩu đang chuyển dịch theo hướng tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, hay gạo trắng chất lượng cao. "Gạo Việt đang cạnh tranh trực tiếp với gạo Thái Lan ở phân khúc cao tại thị trường này", Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia đánh giá.
Thu nhập bình quân đầu người của nước này gần 4.350 USD một người một năm, xu hướng tìm mua các loại gạo chất lượng cao của người dân Indonesia ngày càng tăng.
Gạo ST 25 bày bán tại một đại lý trên đường 3/2, tháng 4.2021. Ảnh: Quỳnh Trần
Gạo Việt đang được tiêu thụ mạnh ở hai kênh là chợ truyền thống và siêu thị của Indonesia nhưng người dân nước này ít biết tới thương hiệu gạo Việt so với gạo Thái Lan.
"Các loại gạo đặc sản như ST24, ST25 hoàn toàn có thể cạnh tranh trong thời gian tới. Tuy nhiên công tác quảng bá gạo mang thương hiệu Việt cần tăng cường, nhiều đơn vị nhập khẩu lớn của Indonesia chưa biết gạo ST24, ST25", ông Cường nói.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia nhận xét, lợi thế cạnh tranh về giá sẽ không còn, thay vào đó phải là chất lượng khi gạo Thái Lan đang ngày một "lấn sân" ở thị trường Indonesia. Hơn nữa, việc Chính phủ Indonesia thay đổi chiến lược phát triển lúa gạo theo hướng tăng tự chủ nguồn cung gạo từ nội địa, chỉ cho nhập những loại gạo chất lượng cao 0-5% tấm và gạo 100% tấm phục vụ sản xuất công nghiệp. Việc này, theo ông Cường, sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Tương tự, ông Cao Xuân Thắng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore, đánh giá đây là thị trường xuất khẩu tiềm năng của gạo Việt Nam, nhưng hiện lượng gạo xuất sang nước này mới đạt 0,15% hàng hóa nông sản xuất khẩu.
Đánh giá nhu cầu gạo của Singapore là rất lớn, song ông Thắng lưu ý, thị trường này khá khó tính trong chọn lựa sản phẩm nhập khẩu. Họ thường "chuộng" các loại gạo chất lượng cao dù giá thành đắt hơn nhiều loại thường.
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, chủng loại gạo xuất sang Philippines hay Indonesia chủ yếu là gạo trắng độ tấm 20-25%. Đây là loại gạo phẩm chất lượng, cạnh tranh chủ yếu với các nước xuất khẩu khác về giá. Gạo Việt ở phân khúc này chịu cạnh tranh quyết liệt từ các nước Myanmar, Pakistan và Ấn Độ...
Vì thế, từ năm 2020 ngành gạo Việt Nam đang giảm dần sản xuất và xuất khẩu các loại gạo trắng thường sang các loại gạo chất lượng cao 0-5% tấm. Tỷ trọng sản xuất gạo ở phân khúc cao tăng từ 35% lên 75%, nhờ gạo Việt xuất khẩu được giá.
Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo đến năm 2030. Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu sang ASEAN, đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho rằng ngành gạo cần rà soát lại nhu cầu nhập khẩu của từng khách hàng, xác định những thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thường với giá rẻ, thị trường tiêu thụ gạo cao cấp, gạo thơm...
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng cần chú trọng các chính sách thương mại với các nước trong khu vực, tận dụng tối đa những lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác trên thế giới.
Đồng thời, các doanh nghiệp được khuyến cáo tiếp tục cải thiện trình độ công nghệ nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, tăng cường thương mại dịch vụ và đầu tư, tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
Theo Anh Minh (Vnexpress)