TÂY SƠN PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN ĐÔ THỊ:
Đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư
Trên cơ sở Chương trình phát triển đô thị Tây Sơn đến năm 2035, phấn đấu xây dựng đạt tiêu chí đô thị loại IV trước năm 2025 và trở thành thị xã trước năm 2030, huyện Tây Sơn đang đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư cho đô thị.
Phác họa các không gian đô thị
Trong kế hoạch thực hiện chương trình phát triển đô thị trên địa bàn huyện vừa triển khai năm 2022, Tây Sơn định hướng đô thị rõ ràng không gian vùng nội và ngoại thị. Cụ thể, đến năm 2025, đô thị Tây Sơn sẽ đạt chuẩn đô thị loại IV, khu vực nội thị gồm 7 xã, thị trấn (Phú Phong, Bình Tường, Tây Phú, Tây Xuân, Bình Nghi, Bình Thành, Bình Hòa); đến trước 2035, đầu tư theo quy hoạch 9 phường (Phú Phong, Bình Tường, Tây Bình, Tây Xuân, Bình Nghi, Bình Thành, Bình Hòa, Tây Giang, Tây Phú) và 6 xã.
Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho hay, huyện đã lập 9 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 ở 9 khu vực dự kiến phát triển lên phường để làm cơ sở đầu tư và tổ chức không gian của đô thị. Trong năm nay, chúng tôi sẽ hoàn thành và phê duyệt để triển khai thực hiện 9 quy hoạch khu đô thị tổng diện tích 4.139 ha, gồm các khu đô thị Phú Hòa, Bắc sông Côn, Hòa Lạc, Bình Tường, Bình Thành, khu đô thị Phú An, khu đô thị Bình Hòa, khu đô thị Tây Bình và điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung đô thị loại V xã Tây Giang.
Đô thị lõi Phú Phong được huyện Tây Sơn tập trung đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Ảnh: THU HIỀN
Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và bằng nội lực, Tây Sơn đang triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông khung của đô thị theo trục Đông - Tây và Nam - Bắc. Huyện huy động nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khác, các khu đô thị, khu dân cư mới.
“Tây Sơn được thiên nhiên ưu đãi sông Côn chảy qua giữa đô thị - đây là thuận lợi lớn cho huyện trong việc phát triển không gian đô thị dọc sông. Để khai thác lợi thế của sông Côn, chúng tôi đã quy hoạch phát triển các khu đô thị dọc sông, cụ thể là các khu đô thị Tây Giang, Bình Tường, Bắc sông Côn, Phú An, Bình Thành, được quy hoạch theo hướng phát triển đô thị xanh dọc sông, nhà ở mật độ thấp với kiến trúc mang nét đặc trưng riêng”, ông Phan Chí Hùng chia sẻ.
Đầu tư hạ tầng kết nối, chỉnh trang đô thị
Để hiện thực hóa mục tiêu “lên thị”, Tây Sơn đang tập trung xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông kết nối đô thị. Trong đó, từ nguồn lực Trung ương, huyện đang triển khai dự án nâng cấp, mở rộng QL 19, xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; tỉnh đầu tư nâng cấp tuyến tỉnh lộ 638 và đang triển khai dự án nâng cấp mở rộng QL 19B, tuyến ĐT 636, tuyến Bảo tàng Quang Trung đi huyện Vĩnh Thạnh, xây dựng đập dâng Phú Phong, tuyến đường tránh phía Nam thị trấn.
Huyện Tây Sơn nằm trong tuyến đô thị phát triển của tỉnh theo trục Đông Tây - một trong 2 tuyến đô thị quan trọng, đồng thời là đô thị trọng điểm trong giao thoa 2 tuyến đô thị theo trục Bắc - Nam và trục Đông Tây của tỉnh. Do đó, Tây Sơn là một trong những đô thị vệ tinh quan trọng, cũng là một trong những vùng động lực để phát triển tiểu vùng KT-XH phía Nam của tỉnh.
Địa phương này có vị trí địa lý, tự nhiên và hệ thống các giá trị văn hóa - lịch sử đặc thù và độc đáo. Đây chính là hai giá trị lớn để Tây Sơn quy hoạch phát triển đô thị dọc sông và đô thị mang bản sắc văn hóa - lịch sử đặc thù địa phương. Trên yêu cầu đó, quy hoạch đô thị phải đảm bảo chất lượng quy hoạch, việc đầu tư xây dựng đảm bảo chất lượng đô thị thể hiện ở tính đồng bộ và có thứ tự ưu tiên, tránh dàn trải nguồn lực.
ÔNG LÊ ĐĂNG TUẤN, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ XÂY DỰNG
Riêng huyện Tây Sơn đã và đang tập trung đầu tư xây dựng các tuyến giao thông liên xã, liên vùng trong huyện. Từ nay đến năm 2024, đầu tư nâng cấp, mở rộng 7/7 tuyến đường huyện dài gần 70 km; đầu tư mới tuyến khu du lịch Hầm Hô (xã Tây Phú) đi Thác Đổ (xã Vĩnh An), tuyến giao thông kết nối huyện Tây Sơn với TX An Nhơn, tuyến kết nối QL 19 với tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong… Đến năm 2030, xây dựng mới các tuyến giao thông kết nối dọc hai bờ sông Côn, một số tuyến giao thông kết nối phía Nam và Bắc sông Côn; cùng với đó địa phương tranh thủ từ nhiều nguồn vốn tập trung đầu tư hệ thống cầu kết nối gồm cầu Hữu Giang, cầu Bình Tường, cầu Bình Nghi - Tây Bình.
Song song với phát triển hệ thống giao thông, huyện sẽ tập trung phát triển các khu dân cư, khu đô thị dọc sông thuộc khu vực nội thị; tăng cường chỉnh trang khu dân cư hiện hữu… Tuy vậy, khó khăn nhất hiện nay là giải quyết bài toán của các khu đô thị dân cư hiện hữu, chủ yếu ở đô thị lõi thị trấn Phú Phong và một số xã dự kiến là khu vực nội thị.
Ông Nguyễn Thanh Diên, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Phong cho biết, cùng với đầu tư lớn của huyện, thị trấn vận động người dân xã hội hóa thực hiện chỉnh trang đô thị, nhất là hệ thống chiếu sáng. Riêng năm 2021 đã đầu tư hoàn thiện 10 công trình nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng đô thị, các tuyến đường nội thị…Thị trấn phối hợp với các phòng, ban của huyện thực hiện quy hoạch 6 phân khu đô thị Phú Phong để làm cơ sở cho đầu tư phát triển.
Trong khi đó, là một trong những đô thị điểm của huyện khi trở thành trung tâm kết nối liên vùng trong và ngoài huyện, xã Tây Bình khẩn trương chỉnh trang đô thị và quy hoạch lại các khu dân cư, các tuyến đường trong xã. Ông Phạm Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Tây Bình chia sẻ, riêng năm 2022 xã đẩy mạnh đầu tư khu dân cư đô thị chợ mới 7 ha, song song đó huyện cũng đầu tư cho địa phương khu đô thị 7 ha nữa; chỉnh trang tất cả các tuyến đường liên thôn.
MAI HOÀNG