Hội xe đạp Quy Nhơn:
Nơi gắn kết niềm đam mê
Có phần “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều CLB xe đạp khác ở thành phố biển, nhưng Hội xe đạp Quy Nhơn đang sở hữu nhiều yếu tố để trở thành một trong những tổ chức xe đạp phong trào có sức hút đối với những người có cùng niềm đam mê.
Đúng lời hẹn với anh Vũ, một thành viên của Hội xe đạp TP Quy Nhơn, chúng tôi có mặt tại Hoa viên Quang Trung lúc 5 giờ sáng để tham gia hành trình thường nhật của các cua-rơ trong Hội. Theo lời giải thích ngắn gọn của ông Lê Văn Út, những ngày thường các thành viên dành khoảng 70-75 phút để tập luyện, chạy những cung đường gần như từ trung tâm TP Quy Nhơn vượt cầu Thị Nại sang Nhơn Lý hoặc Cát Tiến (Phù Cát); hai ngày cuối tuần, thời gian thong thả hơn, các cua-rơ có thể tăng gấp đôi đoạn đường, với cung đường gần 80km: trung tâm Quy Nhơn - Ngã 3 Phú Tài - Đèo Cù Mông - cầu Bình Phú - rồi theo quốc lộ 1D về lại Quy Nhơn.
Sau khoảng thời gian ngắn ngủi, chỉ kịp để chúng tôi trao đổi vài thông tin cơ bản về Hội xe đạp Quy Nhơn, số lượng thành viên đến điểm tập kết đã gần 20 người, mọi người bắt đầu “lên yên ngựa”, thẳng hướng cầu Thị Nại. Mặc dù chỉ là một buổi tập hàng ngày, nhưng ai nấy đều trang phục bài bản, với bộ quần áo chuyên dụng, mũ bảo hiểm, giày, kính, găng tay, nước uống. Trong hành trang của mỗi thành viên còn có cả một bộ săm và dụng cụ dùng để thay ruột xe khi gặp sự cố giữa đường. Những vòng xe cứ quay đều hối hả, đến gần 7 giờ sáng, tất cả đã quay về thành phố, chuẩn bị cho một ngày làm việc mới.
Ông Lê Văn Út (tên thường gọi là Hòa), một thợ cắt tóc 65 tuổi được coi là người đến với xe đạp đua sớm nhất trong số các thành viên của Hội xe đạp Quy Nhơn. Ông Út tâm sự: “Khi còn trẻ tôi theo tập võ, đến lúc bắt đầu có tuổi thì bị đau cột sống, thử tập thể dục và nhiều môn thể thao khác nhưng không có chuyển biến. Khi đến với xe đạp tôi mới tìm được sự thoải mái, vì vậy, tôi gắn bó luôn với bộ môn này, tính ra đã 9 năm rồi không phải thuốc thang gì nữa mà lại còn khỏe thêm”. Ban đầu, ông Út tham gia CLB Diên Hồng, mãi đến cách đây khoảng 3 năm, ông cùng vài người quen cũ gầy dựng và duy trì Hội xe đạp Quy Nhơn đến ngày nay với khoảng 25 thành viên. Ông Út cũng là thành viên lớn tuổi nhất của Hội, còn người trẻ nhất hiện chưa bước qua tuổi 20.
Qua cách nhìn của nhiều người “ngoại đạo”, chơi xe đạp đua chẳng khác nào những cuộc hành xác, bởi việc hàng ngày “nuốt” vài chục km cùng “con ngựa sắt” quả là vất vả. Tuy nhiên, với những người trót theo đuổi niềm đam mê này, đó lại là niềm vui lớn trong cuộc sống, như lời ông Út chia sẻ: “Tối ngủ mà cứ trông trời sáng để được lên đường cùng với anh em”. Để tham gia môn xe đạp đua đòi hỏi người chơi phải có kinh tế kha khá, bởi hiện nay để trang bị một chiếc xe “tạm được” cũng nằm giá khoảng vài chục đến trăm triệu đồng. Với những người chơi xe có kinh nghiệm, họ thường mua linh kiện rời của những hãng nổi tiếng khác nhau để tự lắp ráp thành một chiếc xe ưng ý. Những thiết kế tính toán kỹ lưỡng để đem đến nhiều tiện ích nhất, ít tiêu hao năng lượng nhất, đạt được vận tốc cao nhất là điều mà những nhà chế tạo hướng đến.
Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi được biết trọng lượng chiếc xe của anh Đặng Châu Huy chỉ vỏn vẹn 6,5kg và có giá… trên 250 triệu đồng. Bên cạnh đó, nếu trang bị thêm những thiết bị đo nhịp tim, định vị… thì “cái giá phải trả” còn được nâng lên đáng kể. Không chỉ duy trì tập luyện thường xuyên, các thành viên Hội xe đạp Quy Nhơn còn tích cực tham gia các giải đua xe đạp ở các tỉnh lân cận như: Phú Yên, Khánh Hòa… và giành được những kết quả khả quan. Như vào cuối tháng 5 vừa qua, anh Huỳnh Công Lý đã giành được giải 5 đồng hạng tại Giải xe đạp Phú Yên mở rộng - tranh cúp VTV. Điều đặc biệt là giải đua này có sự góp mặt của những tên tuổi “vang bóng một thời” của làng xe đạp Việt Nam như: Mai Công Hiếu, Trương Quốc Thắng, Trịnh Phát Đạt.
Anh Đặng Châu Huy, người được coi là “chủ tịch lâm thời” Hội xe đạp Quy Nhơn, cho biết: “Mục đích chính của Hội chúng tôi là gắn kết những người có cùng niềm đam mê xe đạp, tạo sân chơi để rèn luyện sức khỏe. Việc tham gia giải hay giao lưu với các CLB trong và ngoài tỉnh cũng là để kích thích tinh thần tập luyện của anh em. Dù vậy, chúng tôi cũng mong muốn kết nối được với những CLB khác trong tỉnh, để hình thành những đội đua mạnh, có thể tham gia và cạnh tranh với những tỉnh, thành khác trong các cuộc đua mang tầm khu vực và toàn quốc. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn tỉnh mình khôi phục lại giải xe đạp truyền thống hàng năm, để anh em có dịp cọ xát, học hỏi kinh nghiệm nhiều hơn”.
LÊ CƯỜNG