THỰC HIỆN GPMB DỰ ÁN XÂY DỰNG ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC BẮC - NAM PHÍA ĐÔNG, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025:
Cần sớm ban hành khung chính sách bồi thường
Để kịp tiến độ Thủ tướng Chính phủ đề ra, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đang ráo riết triển khai công tác giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025. Song đến nay, BộGTVT vẫn chưa ban hành khung chính sách bồi thường và văn bản hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền chỉ định thầu các gói phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng.
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021- 2025 (viết tắt là Dự án) phần đi qua địa bàn tỉnh Bình Định dài hơn 118 km, gồm 3 dự án thành phần theo từng đoạn tuyến: Quảng Ngãi- Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh.
Theo báo cáo của Sở GTVT cuối tháng 4.2022, qua rà soát, tổng diện tích đất cần thu hồi phục vụ Dự án là hơn 1.670 ha, với gần 1.500 hộ dân bị ảnh hưởng, phải bố trí tái định cư. Chủ đầu tư mới bàn giao hồ sơ, cọc giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các địa phương chừng 19 km trong tổng số 118 km. Đặc biệt, đến nay Bộ GTVT vẫn chưa công bố khung chính sách đền bù nên chưa thể thực hiện các bước tiếp theo để GPMB.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm (thứ ba từ trái sang) kiểm tra việc điều chỉnh tuyến hướng tại huyện Tây Sơn. Ảnh: H. YẾN
Hiện các sở, ngành đã hoàn thành rà soát vị trí, quy mô bố trí tái định cư, bãi đổ thải vật liệu phục vụ Dự án. Theo thống kê, Dự án cần 13,66 triệu m3 đất san lấp, 1,739 triệu m3 cát xây dựng và 2,95 triệu m3 đá xây dựng. Liên quan vấn đề này, ông Trần Đình Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: “Bộ GTVT chỉ đạo Ban quản lý dự án (QLDA) 85 và Ban QLDA 2 tăng cường trách nhiệm, xâu chuỗi đầu mối tránh gây phiền hà, khó khăn cho sở, ngành. Chúng tôi cam đoan cung cấp đủ vật liệu cho chủ đầu tư. Sở TN&MT yêu cầu các DN ký cam kết cung cấp vật liệu đúng giá, chất lượng. DN nào vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép. Tuy nhiên, đổi lại chủ đầu tư phải đảm bảo thanh toán đúng tiến độ”.
Tương tự, ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng, đề nghị: “Các ban QLDA tổng hợp báo cáo một số mỏ vật liệu mới để Sở báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Chủ đầu tư phải thẩm định các mỏ, bãi thải bằng con số cụ thể để địa phương làm việc. Sở Xây dựng đảm bảo công bố chỉ số giá xây dựng hằng tháng để áp dụng cho gói thầu, dự án thành phần ở tỉnh. Chỉ số giá xây dựng đảm bảo phù hợp yêu cầu thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện và tiến độ thi công xây dựng, khả năng cung ứng và mặt bằng giá thị trường, phản ánh đúng mức độ biến động giá xây dựng trên thị trường ở tỉnh. Tuy nhiên, Dự án có phần liên quan đến 2 tỉnh Phú Yên và Quảng Ngãi, vì thế rất cần chủ đầu tư phối hợp sao cho thống nhất, tránh bất cập xảy ra”.
Đặc biệt, UBND tỉnh nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT sớm phê duyệt khung chính sách bồi thường, GPMB và tái định cư phục vụ dự án; sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền chỉ định thầu đối với gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, GPMB và tái định cư của dự án. Thiếu hành lang chính sách như trên, rất khó triển khai các bước tiếp theo.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết: “Nếu Bộ GTVT không sớm thực hiện các kiến nghị sẽ gây khó khăn cho sở, ngành, địa phương trong việc đảm bảo đúng tiến độ. Thiếu hành lang chính sách, tỉnh khó hoàn thành nhiệm vụ bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp để có thể khởi công trước ngày 20.11 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý I/2023”.
Trong Nghị quyết 18 và 44/2022/QH15, Chính phủ cho phép Bộ trưởng GTVT và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong năm 2022 và năm 2023 đối với các gói thầu tư vấn, di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, GPMB và tái định cư; kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán (không bao gồm chi phí dự phòng). Liên quan đến các điều kiện đặc biệt này, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết: “Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc, đảm bảo tiến độ triển khai dự án. Bộ GTVT được giao tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt 12 dự án thành phần, hoàn thành trước ngày 30.6.2022 và thực hiện các công việc tiếp theo đảm bảo khởi công trước ngày 31.12.2022; triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31.3.2023. Bộ GTVT ghi nhận và làm việc với Bộ TN&MT để sớm đưa ra khung chính sách và văn bản thẩm định chỉ định thầu các phần việc tại địa phương, giúp thuận tiện thực hiện dự án đúng tiến độ đề ra.
HẢI YẾN