Bỗng dưng mất đất
Gửi đơn tới Báo Bình Định, các ông, bà Nguyễn Văn Hải, Phan Thị Kim Thoa, Huỳnh Thị Quý (cùng ở khu phố Vân Hội 2, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước), trình bày: 3 hộ có 3 lô đất liền kề tại khu phố Vân Hội 2, số hiệu lần lượt là 83, 84, 85; mỗi lô có diện tích 106 m2. Các lô đất có nguồn gốc do Nhà nước bán thanh lý cho 3 hộ vào năm 1993.
Sau đó, 3 hộ tiến hành xây dựng nhà ở trên từng lô đất; mỗi căn có hiện trạng dài 17 m và rộng 5,3 m. Riêng phần diện tích còn lại tại mỗi lô đất (dài 3 m, rộng 5,3 m), 3 hộ để trống và lắp đặt hầm rút bên dưới để xử lý nước thải.
Năm 2007, hộ ông Hải, bà Thoa, bà Quý làm thủ tục đề nghị ngành chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các lô đất đã mua thì phát hiện phần diện tích họ để trống phía sau nhà đã bị UBND huyện Tuy Phước cấp cho bà Nguyễn Thị Hằng (ở cùng địa phương). Từ đó đến nay, các hộ dân “gõ cửa” nhiều cơ quan chức năng từ huyện, đến tỉnh và Trung ương đề nghị xử lý, trả lại phần đất đã “cấp nhầm” cho bà Hằng nhưng chưa có kết quả mong muốn.
Phần diện tích đất hộ ông Hải để trống sau khi xây dựng nhà ở và lắp đặt hầm rút bên dưới; công trình được xây dựng từ năm 1993. Ảnh: V.L
Qua tìm hiểu được biết, bà Hằng có thửa đất số 358, tờ bản đồ số 11 (thuộc khu phố Vân Hội 2; nằm liền kề phía sau các lô đất và nhà của ông Hải, bà Thoa, bà Quý). Thửa đất này bà Hằng được chia thừa kế theo quyết định tại bản án số 59/ DSPT ngày 21.4.2006 của TAND tỉnh Bình Định (BA 59); đến năm 2007, UBND huyện Tuy Phước cấp sổ đỏ cho bà Hằng.
Theo UBND huyện Tuy Phước, việc cấp sổ đỏ cho bà Hằng được thực hiện đúng quy định của pháp luật, căn cứ vào BA 59 và sơ đồ kèm theo bản án. Tuy nhiên, ông Hải, bà Thoa, bà Quý không đồng tình với lý giải này.
Bởi BA 59 nêu rõ “phần đất còn lại chia cho bà Nguyễn Thị Hằng, cụ thể từ sát vách nhà bếp bà Hằng rộng 5 m kéo thẳng ra hết phần đất phía sau 68,2 m…”. Trong khi đó, sơ đồ kèm theo vẽ không đúng nội dung BA 59 đã tuyên; cụ thể, phần đất chia cho bà Hằng có đoạn rộng tới 8,5 m (thừa 3 m so với nội dung bản án).
Ông Hải cho rằng: “Phần đất thừa ra theo sơ đồ vẽ kèm BA 59 chính là diện tích đất mà 3 hộ chúng tôi để trống khi xây dựng nhà vào năm 1993. Bản án tuyên một đằng, sơ đồ vẽ một nẻo nhưng UBND huyện Tuy Phước lại căn cứ vào sơ đồ để cấp sổ đỏ cho bà Hằng. UBND huyện Tuy Phước cấp sổ đỏ nhưng không xác định giới cận với các hộ có đất liền kề đã dẫn tới cấp chồng lấn diện tích; ảnh hưởng đến quyền lợi của 3 hộ chúng tôi. Các cấp, các ngành cần xem xét lại toàn bộ quá trình cấp sổ đỏ cho bà Hằng để giải quyết dứt điểm vụ việc”.
Tại thông báo số 49/2019/ TB-TA ngày 18.4.2019, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cũng xác định: “Sơ đồ kèm theo không đúng với nội dung đã tuyên tại phần quyết định của BA 59. Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tuy Phước thi hành án theo nội dung quyết định của BA 59 là rộng 5 m kéo thẳng ra hết phần đất phía sau 68,2 m; không thi hành án theo sơ đồ kèm BA 59, người được thi hành án (bà Hằng) không khiếu nại”. Từ đây có thể thấy, phần quyết định BA 59 đã tuyên và sơ đồ kèm theo bản án này có sự “lệch pha”. Thế nhưng, khi thực hiện các thủ tục cấp sổ đỏ cho bà Hằng, ngành chức năng của huyện Tuy Phước lại căn cứ vào sơ đồ “lệch pha” này mà không làm rõ tại sao như vậy.
Hệ quả, 3 hộ bị mất đất và kể cả người được cấp sổ đỏ có thêm diện tích đất của người khác phải khiếu nại nhiều nơi trong thời gian dài để được bảo vệ quyền lợi chính đáng. Đến nay, đã 22 năm trôi qua, những người liên quan vẫn tiếp tục hành trình khiếu nại.
VĂN LỰC