Lần đầu tiên Hội đồng Bảo an “có cùng tiếng nói” vì hòa bình Ukraine
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngay lập tức hoan nghênh sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an, đồng thời bày tỏ sự vui mừng và mô tả đây là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an “có cùng tiếng nói” vì hòa bình Ukraine.
Lần đầu tiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một tuyên bố về Ukraine. G7 lên kế hoạch nhóm họp trực tuyến với Tổng thống Volodymyr Zelensky. EU được kêu gọi hành động để hỗ trợ các cuộc đàm phán cho Nga – Ukraine. Đây là những thông tin mới nhất cho thấy các nỗ lực quốc tế đang tập trung tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng.
Hội đồng Bảo an nhóm họp. (Ảnh: Reuters)
Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc hôm qua (6/5) đã thông qua tuyên bố về tình hình Ukraine - lần đầu tiên kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Tuyên bố cho biết, Hội đồng Bảo an bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc duy trì hòa bình và an ninh của Ukraine; kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo Hiến chương Liên Hợp Quốc. Tuyên bố được sự đồng thuận của tất cả 15 thành viên Hội đồng Bảo an, bao gồm Nga. Tuyên bố do Na Uy và Mexico soạn thảo.
Đại sứ Mexico tại Liên Hợp Quốc Juan Ramon De La Fuente Ramirez cho biết: “Việc thông qua tuyên bố này ngày hôm nay cho thấy Hội đồng Bảo an đoàn kết ủng hộ Liên Hợp Quốc và Tổng thư ký trong việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi ngừng ngay lập tức các hành động thù địch. Ngoại giao phòng ngừa và hòa giải luôn là ưu tiên hàng đầu của Na Uy và Mexico trong công việc tại Liên Hợp Quốc”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngay lập tức hoan nghênh sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an, đồng thời bày tỏ sự vui mừng và mô tả đây là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an “có cùng tiếng nói” vì hòa bình Ukraine. Ông nhấn mạnh, thế giới phải cùng nhau làm “im tiếng súng” và giữ vững những giá trị của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Tình hình Ukraine hiện đang là một trong tâm của nhiều chương trình nghị sự quốc tế quan trọng. Cuộc họp trực tuyến ngày mai của các nhà lãnh đạo của Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng sẽ bàn thảo về giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay, với sự tham dự trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Sau đó 1 ngày, Tổng thống Ukraine muốn mời Thủ tướng Đức Olaf Scholz – nước chủ tịch G7 đến thăm trực tiếp thủ đô Kiev.
“Tôi tin rằng Thủ tướng Đức cần phải đến Ukraine. Ông ấy đã được mời, lời mời đã mở từ lâu rồi. Ông ấy có thể biến điều này thành hiện thực vào ngày 9/5. Tôi không muốn giải thích thêm về tầm quan trọng của chuyến thăm này. Tại một số thời điểm trong lịch sử, người ta phải thực hiện các bước nhất định, ngay cả khi các mối quan hệ có thể bị nguội lạnh. Ukraine đang mở cửa, mời bạn vào và ủng hộ chúng tôi”, ông Zelensky nói.
Lời mời được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio mới đây thúc giục Liên minh châu Âu cùng nhau hành động, để giúp khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ giữa Nga và Ukraine.
Theo Ngoại trưởng Italy, cam kết của một quốc gia là không đủ và EU cần có hành động hợp lý để tạo điều kiện cho việc đạt được lệnh ngừng bắn ở phạm vi các địa phương, một thỏa thuận ngừng bắn chung và sau đó là một hiệp định hòa bình. EU sẽ nỗ lực hơn để hồi sinh một cuộc đàm phán đã bị dừng lại vào thời điểm này. EU cần phải hồi sinh bằng hành động chung của EU và tất cả các đồng minh.
Liên quan đến những diễn biến chiến sự tại Ukraine, hiện các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường tại các “điểm nóng” vẫn đang được mở. Nga - Ukraine hôm qua cũng đã tiến hành cuộc trao đổi tù binh. Phía Nga cùng ngày xác nhận sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine, do không phù hợp với các mục tiêu đề ra của chiến dịch quân sự đặc biệt./.
(Theo Đình Nam/VOV1/Tổng hợp)