Người nông dân đam mê sáng tạo
Gặp ông, ít ai nghĩ rằng người đàn ông vui vẻ, dễ gần, mới học hết lớp 9 ấy lại là tác giả của nhiều sản phẩm sáng chế được ứng dụng rộng rãi. Tháng 1.2022, sản phẩm “Máy băm thân cây phục vụ chăn nuôi, khung bằng nhựa” của ông đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2021 và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Ông là Nguyễn Ngôn (55 tuổi, ở khu phố Vĩnh Phụng 2, phường Hoài Xuân, TX Hoài Nhơn).
Thấy có ích là làm
Nhắc đến niềm đam mê sáng tạo của mình, ông Nguyễn Ngôn bảo: “Cứ điều gì có ích cho nông dân, cho xã hội là tôi làm”. Các sản phẩm ông làm ra có giá thành rẻ, sử dụng bền lâu, hiệu quả, gắn liền với nông dân. Ông tâm niệm rằng, cuộc sống nông dân còn nhiều vất vả, để giải phóng sức lao động cho họ thì cái gì có lợi là ông mày mò ngày đêm nghiên cứu.
* Được biết, ông đam mê sáng chế từ 30 năm nay. Trong khoảng thời gian dài ấy, ông đã sáng chế ra những loại máy móc nào?
- Nhiều chứ, tính sơ sơ thì đến nay tôi đã sáng chế ra gần chục sản phẩm gắn liền với cuộc sống nông dân rồi đấy. Điển hình như máy bóc tách hạt bắp (sản phẩm này đã đoạt giải ba cuộc thi Sáng tạo nhà nông tỉnh năm 2012), hay như sản phẩm máy xay chả cá, máy giê lúa, máy dập rèn… được nông dân, người tiêu dùng trong và ngoài địa phương tin dùng.
* Để sáng tạo được ngần ấy sản phẩm, ắt hẳn ông phải trải qua nhiều nghề?
- Đúng rồi! Người dân ở đây thường bảo tôi là “thợ đụng”, tức là đụng đâu làm đó (cười). Khi vừa học xong hết lớp 9, do gia đình khó khăn nên từ năm 1985 tôi làm nghề sửa xe đạp để có thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình. Thời gian sau đó, tôi chuyển sang nghề sửa xe máy, rồi sửa máy cày, máy cắt lúa, mô tơ điện, rồi làm nghề gò, hàn, tiện…
* Và, hình như “trong cái khó đã ló cái khôn”?
- Trong quá trình làm nghề, tôi luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao tạo ra được những sản phẩm máy móc thật sự tối ưu, chất lượng tốt nhất, sử dụng lâu dài, giá thành rẻ hợp với túi tiền nông dân.
Nông dân lao động rất cực khổ, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, tiêu tốn rất nhiều sức lao động. Vậy nên mỗi khi nghĩ ra sản phẩm nào gắn liền với cuộc sống hằng ngày, có ý nghĩa với nông dân là tôi ngày đêm mày mò nghiên cứu, rồi tự gò, hàn, xem xét vật liệu sử dụng phù hợp để làm cho bằng được mới thôi.
Ông Nguyễn Ngôn (bên phải) nhận giải nhất cuộc thi Sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2021 với giải pháp “Máy băm thân cây phục vụ chăn nuôi, khung bằng nhựa”. Ảnh: HOÀI THU
* Ông có thể tiết lộ vì sao ông sáng chế thành công sản phẩm “Máy băm thân cây phục vụ chăn nuôi, khung bằng nhựa”- đạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo nhà nông vừa qua?
- Ở nông thôn, hầu như nhà nào cũng chăn nuôi trâu, bò, heo, gà, vịt… Gia đình tôi cũng thường xuyên nuôi mấy chục con heo, hằng ngày vợ tôi phải vất vả đi hái rau, chặt chuối về băm nấu cháo rất vất vả và tốn nhiều thời gian. Xuất phát từ thực tế này, để giải phóng bớt sức lao động cho nông dân, mấy năm trước tôi đã nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm máy băm thân cây có vỏ làm bằng vật liệu sắt. Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng, nhiều nông dân phản hồi là vỏ máy nhanh bị rỉ sét, do quá trình sử dụng, trong các loại thân cây có độ ẩm cao, có tính a xít nên vỏ sắt nhanh bị hư hỏng.
Từ đó, tôi nghĩ cần phải có sự thay đổi về vật liệu vỏ sản phẩm để có thể sử dụng lâu dài, giá cả hợp túi tiền với nông dân. Trên thị trường có các vật liệu như i-nox, nhôm khắc phục được tình trạng rỉ sét, nhưng có giá thành sản phẩm quá cao, khó áp dụng vào thực tế. Qua mày mò, tôi thấy tại các vùng ven biển bà con ngư dân thải bỏ khá nhiều sản phẩm phuy nhựa đựng dầu đi biển đã hư hỏng, gây ô nhiễm môi trường, có thể tận dụng để sử dụng làm vỏ máy.
Từ ý tưởng đó, tôi đi thu gom các sản phẩm phuy nhựa về để làm vỏ máy băm thân cây thay cho vật liệu bằng sắt. Và qua thực tế sử dụng, vỏ nhựa đã khắc phục được các hạn chế, giá thành lại khá rẻ, được nông dân đánh giá rất cao.
* Được trao giải nhất cuộc thi Sáng tạo nhà nông đối với sản phẩm “Máy băm thân cây phục vụ chăn nuôi, khung bằng nhựa”, cảm giác của ông như thế nào?
- Vui lắm chứ! Giải thưởng là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với tôi. Càng vui và ý nghĩa hơn khi thấy sản phẩm của mình sáng chế được nông dân đón nhận, sử dụng bền lâu, giá thành rẻ, giúp người dân đỡ vất vả, cực nhọc.
Nhiều nông dân ở các địa phương khác như: Hoài Ân, An Lão, Phù Mỹ… khi nghe giới thiệu sản phẩm này đã chạy xe máy hàng chục, hàng trăm cây số để đến gặp tôi đặt mua. Khi gặp thì họ rất vui mừng, phấn khởi như người thân với nhau lâu ngày mới gặp. Nói thật là tôi cảm thấy rất hạnh phúc, tự hào lắm!
Còn nhiều ấp ủ
Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Ngôn cho biết, xuất thân là nông dân nên ông muốn làm ra những sản phẩm hữu ích gắn liền với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cứ thấy cái gì nông dân cần, gợi ý là ông lại bỏ công nghiên cứu, đi thực tế để xem xét, rồi về nhà nghiên cứu tìm cách làm cho bằng được.
* Ngoài những sản phẩm đã được công bố, hiện tại ông còn ý định sáng chế ra những sản phẩm nào nữa?
- Đam mê sáng tạo hầu như đã ăn sâu trong máu của tôi từ lâu rồi (cười). Nói không phải chủ quan chứ tôi sẽ còn hẹn gặp anh tại các cuộc thi Sáng tạo nhà nông trong thời gian tới, với các sản phẩm nông nghiệp tối ưu hơn nữa. Tôi đang ấp ủ sáng tạo thêm vài sản phẩm mới nhưng chưa thể tiết lộ với anh vào lúc này được!
* Có ý kiến cho rằng, những nhà sáng chế nông dân “cầm cuốc thì dễ nhưng cầm bút thì khó”, có thể hiểu là đối với nông dân, hầu như những sản phẩm của mình làm ra không được thiết kế, vẽ bản vẽ, thuyết minh bài bản trước khi sản xuất. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Tôi nghĩ không hẳn các sản phẩm có thiết kế, bản vẽ hẳn hoi mang lại hiệu quả sử dụng cao. Hầu hết những sản phẩm tôi sáng chế ra hầu như không có “giấy tờ” gì cả.
Từ thực tiễn cuộc sống hằng ngày, tôi chứng kiến những bất cập của các sản phẩm, thấy nông dân cần là tôi tự hình dung ra cái cần làm, rồi ấp ủ, nuôi dưỡng ý tưởng, nghiên cứu chất liệu phù hợp rồi tự sắp xếp, tìm giải pháp khả thi để thực hiện. Mình cứ mày mò từng bước từng bước, tuy có mất thời gian nhưng khi sản phẩm hoàn thành sẽ là thứ mình tâm đắc nhất.
Ông Nguyễn Ngôn giới thiệu cách sử dụng máy băm thân cây phục vụ chăn nuôi do mình chế tạo. Ảnh: N. HÂN
* Ông có điều gì nhắn nhủ với những người đam mê sáng tạo, nhất là đối với các bạn trẻ?
- Trong xã hội phát triển ngày nay, đam mê sáng tạo phục vụ lợi ích chung cho xã hội luôn được khuyến khích. Riêng bản thân tôi, từ sự đam mê đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm mang lại sự tiện ích, góp phần giải phóng sức lao động của nông dân.
Với giới trẻ hiện nay, tôi thấy đa số đều được học hành bàn bản, có kiến thức, nắm vững công nghệ thông tin, đây là nền tảng giúp họ dễ đi đến thành công hơn. Tôi chỉ có lời nhắn nhủ là các bạn trẻ cần có niềm đam mê sáng tạo và luôn nuôi dưỡng đam mê của mình, chịu khó tìm tòi, sáng tạo thì chắc chắn một ngày nào đó sẽ tạo ra các sản phẩm có giá trị thực tiễn, phù hợp với nhu cầu xã hội.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này; chúc ông tiếp tục sáng tạo ra những sản phẩm có ý nghĩa thiết thực cho nông dân!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)