Trần Bích San - một ông quan biết lo cho dân
Đúng 190 năm về trước - năm 1832, phủ An Nhơn của Bình Định được lập ra để coi sóc 2 huyện Tuy Viễn và Tuy Phước. Đến năm Mậu Thìn 1868, một ông quan về nhậm chức ở đây, đã được người địa phương thương yêu, kính trọng, xem là cha mẹ của dân - dân chi phụ mẫu. Đó là quan Tri phủ Trần Bích San (1838 - 1877).
Trần Bích San là bạn đồng môn với Nguyễn Khuyến, cùng đỗ Giải nguyên khoa thi Hương 1864. Nguyễn Khuyến đứng đầu trường Hà Nội, còn Trần Bích San đứng đầu trường Nam Định. Năm sau về kinh thi Hội và thi Đình, Trần Bích San đứng đầu cả 2 khoa. Trần Bích San nổi tiếng tài giỏi, hay chữ, được người đương thời ví với Vương Tăng, một danh sĩ đời Tống ở Trung Hoa. Có lẽ cũng vì danh tiếng đó mà ông được vua Tự Đức ban cho tên mới là Hy Tăng, ban cờ biển vinh quy thêu 4 chữ “Liên Trúng Tam Nguyên”, nghĩa là đứng đầu 3 kỳ khảo thí liên tiếp. Người đời lấy quê của cụ gọi là Tam nguyên Vị Xuyên để phân biệt với Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến - người tuy cũng đỗ đầu 3 kỳ khảo thí nhưng không được liên tục như Trần Bích San. Nhưng vì sao cụ được người phủ An Nhơn bấy giờ xem như là cha mẹ của dân?
Trần Bích San (1840 - 1877), tự Vọng Nghi, hiệu Mai Nham, được vua Tự Đức ban tên là Hy Tăng. Ông là một danh sĩ Việt Nam thời Nguyễn, người ở xã Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nay là phường Vị Hoàng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định.
Năm về triều nhận chức Biện lý bộ Hộ, cụ đã đề nghị triều đình lập nha Doanh điền An Khê để dân có điều kiện mưu sinh, cũng như phía Tây huyện Tuy Viễn có cơ lập đồn để bảo vệ biên địa. Vua chuẩn cho thi hành, năm Canh Ngọ 1870, Bình Định cho mộ người lên An Khê khẩn hoang để lập ấp. Năm 1877, nha Doanh điền An Khê được cải làm nha Kinh lý. Năm 1883, nha còn dung nạp tù phạm Bình Thuận, dân nghèo Quảng Ngãi cũng đến, được cấp vốn để khẩn ruộng hoang.
Một ông quan biết lo miếng ăn cho dân tuy không nhiều nhưng cũng không quá hiếm. Nhưng ở cụ Hy Tăng, không chỉ giúp cho dân có kế mưu sinh, ấm no mà cụ còn lo để dân địa phương biết chăm giữ mỹ tục xóm làng, răn gìn nền nếp gia phong. Hài hòa và trọn vẹn như thế quả thật không có nhiều nếu không muốn nói là xưa nay hiếm. Cư dân An Nhơn vẫn còn lưu truyền bản Gia huấn ca được cho là của cụ Hy Tăng viết ra và khuyên bảo dân chúng học theo, bài ca này nhiều nơi gọi tắt là “Thơ Tam Khôi”, gọi theo danh hiệu đứng đầu 3 kỳ khảo thí của Trần Bích San.
Những lời khuyên trong Gia huấn ca đến nay vẫn cứ hợp thời, xin được trích dẫn một đoạn: Làm trai chí ở cho bền/ Nghề chi cũng phải chuyên nên một nghề/ Nửa chừng làm chẳng ra bề/ Thầy dở thợ vụng bạn chê người cười.
Hoặc là lời khuyên cho phận gái trong nhà, nay đâu thể gọi là hủ lậu: Gặp đồ vật lạ của ngon/ Mua về cha mẹ gọi con thảo tình/ Chớ đi tăm tối một mình/ Dầu ngay cho lắm thời tình cũng gian.
Tuy nhiên điều rất quan trọng, là Trần Bích San không chỉ nói suông, khuyên suông mà chính trong cách ứng xử thường ngày của mình, cụ cũng nêu gương bằng hành động cụ thể, thiết thực.
Người An Nhơn lưu lại câu chuyện cụ gửi về quê - làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định - biếu mẹ xấp lụa, vốn là phẩm vật thủ công của làng nghề nức tiếng An Nhơn (Nón ngựa Gò Găng/ Bún song thằn An Thái/ Lụa đậu tư An Ngãi/ Xoài tượng chín Hưng Long/ Mặc ai mơ táo, ước hồng/ Tình quê em giữ một lòng trước sau - Ca dao). Thế nhưng mẹ của ông gửi trả xấp lụa, kèm bên trong lại gói một cái roi mây. Biết mẹ răn mình thân làm quan nơi xứ người, không nên lấy chuyện công làm chuyện tư, không vì tư lợi mà nhận biếu xén, hướng về Bắc lạy mẹ, cụ nằm xuống, khóc lấy roi đặt lên mông nhận trách phạt của mẹ.
Năm Mậu Thìn 1868, lúc làm Tri phủ Thăng Bình (Quảng Nam), cụ bắt giữ 2 đạo trưởng người phương Tây cưỡi ngựa đi lại che lọng nghênh ngang. Soái phủ Pháp ở Nam kỳ chất vấn triều đình vi phạm Hòa ước Nhâm Tuất 1862, theo đó phải cho phép giáo sĩ được tự do giảng đạo ở Việt Nam. Vua Tự Đức đành giáng cụ 2 cấp, nhưng 4 tháng sau lại đổi cụ làm Án sát tỉnh Bình Định. Rồi vì chuyện ra đề kỳ thi Hương năm ấy liên quan việc bang giao không hợp ý triều đình, cụ bị giáng bổ làm Tri phủ An Nhơn.
Năm 1873, đại úy Francis Garnier đem quân ra đánh thành Hà Nội, Khâm sai Nguyễn Tri Phương trúng đạn, bị bắt, không chịu băng bó mà chết. Pháp tiến chiếm các tỉnh lân cận, triều đình Huế đành ký Hòa ước Giáp Tuất 1874, đất nước phải chịu nhiều thiệt thòi. Giữa bối cảnh ấy, Trần Bích San được điều ra làm Tuần phủ Hà Nội.
Năm Đinh Sửu 1877, được triều đình cử làm chánh sứ sang Paris theo đề nghị của soái phủ Dupré, cụ về triều lĩnh mệnh. Nhưng với tư tưởng triệt để chống Pháp, đi sứ với mục tiêu nghị hòa chẳng khác nào bán nước, với khí tiết của kẻ sĩ, không nhận nhiệm vụ là chống mệnh vua, Trần Bích San tự kết liễu đời mình, chọn cái chết để phản đối chủ trương nghị hòa, để thức tỉnh bạn đồng liêu. Vua Tự Đức xót thương, cắt cử người đưa quan tài của cụ về quê, ban bài thơ điếu đọc trước linh cữu. Bài thơ nói lên nỗi niềm của một ông vua rộng cửa đón hiền tài nhưng không sử dụng được người tài: Giả Nghị thiếu niên nan cửu dụng/ Hán Văn tiền tịch chính hoằng khai… (Dịch nghĩa: Tài như Giả Nghị tuổi trẻ không dễ sử dụng/ Dù rằng Hán Văn đế đã trải chiếu đón mời).
Còn thầy dạy Trần Bích San là Hoàng giáp Phạm Văn Nghị- một ông thầy có nhiều học trò theo vua Hàm Nghi chịu đi đày như Phạm Thận Duật, bất hợp tác với giặc như Nguyễn Khuyến, những chiến sĩ Cần Vương từng gây nhiều tổn thất cho Pháp như Đặng Ngọc Cầu, Nguyễn Cao, Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân, Vũ Hữu Lợi, Lữ Xuân Uy, Đỗ Huy Liêu…, khóc Trần Bích San mà như khóc một danh nhân: Hoàn danh hoàn cục ninh tu thuyết/ Tráng ngã sơn hà khí vị dân (Dịch nghĩa: Trọn danh tiết, làm xong việc hay không chưa cần bàn đến/ Cái dám chết của ông làm núi sông ta mãi hùng mạnh).
Một ông quan mà từ vua đến dân, từ thầy dạy đến bạn đồng môn, đồng liêu ai cũng tỏ lòng tiếc tài, thương mến, kính ngưỡng như thế từ xưa đến nay không dễ gì thấy được.
PHAN TRƯỜNG NGHỊ