Có nên rút bảo hiểm xã hội một lần?
Dù đã có nhiều ý kiến quan ngại, nhưng vẫn có hàng nghìn người lao động trong nước rút BHXH một lần trong thời gian qua, đã làm dấy lên vấn đề: Có nên rút BHXH một lần?
Rút vì áp lực kinh tế
Nghỉ việc vào năm 2021, chị Nguyễn Thị Hồng P. (30 tuổi, ở phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) quyết định rút BHXH một lần sau khi đủ điều kiện. Chia sẻ về quyết định này, chị P. nói: “Tôi làm việc đã được 6 năm. Sau nghỉ thai sản, tôi nghỉ việc luôn để chăm con vì con hay đau ốm. Thời gian qua, dịch giã, mọi thứ khó khăn, chật vật. Tôi muốn rút khoản tiền này ra để trang trải khó khăn trước mắt. Đến khi mọi thứ ổn hơn, tôi sẽ quay lại với công việc, rồi đóng BHXH tiếp. Chỉ cần đóng đủ 20 năm là được hưởng lương hưu rồi”.
Người lao động làm thủ tục BHXH tại Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hành chính BHXH tỉnh. Ảnh: BHXH tỉnh
Cũng vì áp lực kinh tế, chị Lê Trúc L. (42 tuổi, ở TP Quy Nhơn) rút BHXH một lần để phụ chồng xoay chuyển kinh tế gia đình. Đề cập về những thiệt thòi khi rời hệ thống BHXH, chị L. tâm sự: “Thật ra, tôi cũng lấn cấn chuyện về già, chuyện lương hưu, cũng suy đi nghĩ lại. Nhưng thôi thì tới đâu tính tới đó, chờ mười mấy năm nữa, đến khi mình đủ tuổi hưu thì không biết thế nào; trong khi trước mắt, gia đình đang cần tiền”.
Am hiểu về những quy định của pháp luật, về các chế độ chính sách, chế độ hưu trí... nhưng anh Nguyễn Văn K. (41 tuổi, ở TP Quy Nhơn) vẫn quyết định rút BHXH một lần, không chờ đến tuổi hưu vì nhận thấy một số điểm bất cập của chính sách. Anh phân tích: “Tôi tham gia BHXH đã hơn 17 năm. Trước tốc độ lạm phát cùng cách tính BHXH như hiện tại, tôi thật sự bất an khi tiếp tục tham gia BHXH và chờ đợi đến tuổi hưu. Bởi đến lúc đó, lương hưu nhận được sẽ không còn nhiều ý nghĩa so với thời giá. Nhà nước cần nhanh chóng điều chỉnh chính sách để đảm bảo được mục tiêu BHXH toàn dân”.
Quay lại với BHXH lần nữa
Ở tuổi 40, anh Nguyễn Huỳnh N. (ở TP Quy Nhơn) cho rằng rút BHXH một lần (tại thời điểm tham gia BHXH 12 năm) là quyết định sai lầm nhất của mình. Ở thời điểm đó, sau một thời gian làm việc tại một số DN ở TP Hồ Chí Minh, anh nghỉ việc và lựa chọn trở về quê để tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Một năm sau khi nghỉ việc, anh nghe thông tin về rút BHXH một lần. Thấy người ta rút, anh N. cũng làm theo. Số tiền rút được vào thời điểm đó khoảng 120 triệu đồng.
Anh N. kể, quyết định rút một lần bởi thiếu thông tin nên không hề suy nghĩ, cân nhắc về những thiệt thòi lâu dài. Tháng 9.2018, anh bắt đầu làm việc tại đơn vị hiện tại, chính thức tham gia BHXH trở lại. Đến lúc này, có nhiều thông tin hơn, hiểu sâu về chính sách, anh rất hối tiếc. Nếu cộng 12 năm đã tham gia BHXH với 5 năm vừa rồi, anh đã có 17 năm tham gia BHXH. Năm nay anh 40 tuổi, chỉ cần tham gia đến năm 58 tuổi là đủ điều kiện để được hưởng lương hưu mức tối đa 75%. Tuy nhiên, do rút BHXH một lần, không được cộng dồn nên đến năm 55 tuổi, anh mới tham gia BHXH được 20 năm, tương đương với mức hưởng 45%; mỗi năm tham gia BHXH sau đó được cộng thêm 2%.
“Cơ hội để tôi được hưởng mức tối đa là không có. Đây là điều rất đáng tiếc bởi tôi thật sự mong mình có lương hưu tốt khi về hưu, tự lo cho mình và giảm bớt gánh nặng cho con cháu”, anh N. chia sẻ.
Cũng từng rút BHXH một lần, anh Đ.Q.T. (40 tuổi, ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) vừa đăng ký tham gia BHXH tự nguyện vào tháng 4.2022. Lý do thuyết phục anh quay trở lại tham gia BHXH là vì người thân của anh đã chính thức nhận được lương hưu khoảng 5 triệu đồng/tháng từ cuối năm 2021. Với anh T., quyết định tham gia BHXH tự nguyện vào thời điểm này là nhằm có “vốn lận lưng” lúc về già như người thân.
* * *
Quyết định nhận BHXH một lần sau khi nghỉ việc, hay bảo lưu, tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc khi có đủ điều kiện, hoặc tham gia BHXH tự nguyện là lựa chọn của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, mỗi người cần có sự tham khảo, tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi rời hệ thống BHXH, từ chối quyền lợi an sinh xã hội sau tuổi hưu, bởi rất có thể “lợi trước mắt, hại lâu dài”.
Cần khẩn trương điều chỉnh chính sách
Thực trạng một lượng lớn người lao động rút BHXH một lần đòi hỏi cơ quan chức năng cần nhận diện những bất cập của chính sách BHXH để khẩn trương điều chỉnh, sửa đổi, có các giải pháp làm tăng niềm tin của người dân vào Quỹ BHXH.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với BHXH Việt Nam và các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật BHXH để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.
Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất sửa quy định theo hướng giảm số năm đóng BHXH để được nhận lương hưu từ 20 xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Việc sửa đổi chính sách BHXH sẽ góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHXH, tạo động lực cho người lao động tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững.
NGUYỄN MUỘI