Gắn biển tên Việt Nam cho những ngôi chùa lâu đời tại Thái Lan
Cách đây khoảng 200 năm, cùng với sự xuất hiện của cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan, một số ngôi chùa người Việt Nam cũng được xây dựng, đến nay trên toàn Thái Lan có khoảng 20 ngôi chùa gốc Việt.
Các đại biểu dự lễ gắn biển tên Việt Nam tại chùa Ngọc Thành. Ảnh: TTXVN.
Ngày 8.5, tại chùa Tam Bảo (tên tiếng Thái là Wat Aphay Phati Kram) và chùa Ngọc Thành (tên tiếng Thái là Wat Annan Duoikai Tralom Prachom Phatsakan), hai trong số những ngôi chùa Việt Nam lâu đời nhất tại Thái Lan, đã diễn ra lễ gắn biển tên chùa bằng tiếng Việt.
Theo phóng viên, buổi lễ được tổ chức với sự tham dự của Hòa thượng Thích Thiện Cư, Tăng trưởng Phật giáo Việt tông, lãnh đạo địa phương hai tỉnh miền Trung Thái Lan Suphan Buri và Chachoengsao, nơi có hai ngôi chùa tọa lạc, cùng các chư tôn đức và hàng trăm kiều bào, người Việt Nam đang lao động, học tập tại Thái Lan.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Ngô Trịnh Hà khẳng định Phật giáo Việt tông (An Nam tông) là một trong hai tông phái Phật giáo nước ngoài duy nhất tại Thái Lan.
Sự du nhập và phát triển của hệ phái Phật giáo Việt Nam tại Thái Lan, sự xuất hiện của các ngôi chùa Việt trên đất Thái và hoạt động tín ngưỡng tâm linh, thờ cúng theo truyền thống người Việt Nam của bà con Phật tử Việt kiều Thái Lan không những góp phần quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng kiều bào Thái Lan mà còn là cầu nối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Thái Lan, kết nối giữa kiều bào và nhân dân trong nước.
Các đại biểu dự lễ gắn biển tên Việt Nam tại chùa Tam Bảo. Ảnh: TTXVN.
Kể từ những ngày đầu tiên có mặt tại Thái Lan từ hơn 2 thế kỷ trước, Phật giáo Việt tông luôn là một chỗ dựa tinh thần của bà con người Việt, vốn vì những lý do khác nhau mà phải di cư tới để làm ăn sinh sống.
Bất chấp các thăng trầm của lịch sử, tông phái Phật giáo Việt Nam tại Thái Lan đã được duy trì mạnh mẽ và trở thành một tông phái được kính trọng trong cộng đồng Phật giáo ở Thái Lan.
Hòa thượng Thích Thiện Khai, trụ trì chùa Tam Bảo, cho biết ngôi chùa này được xây dựng vào năm 2449 (theo lịch Phật giáo), từ đời Vua Rama thứ V, tính đến nay đã được 116 năm.
Chùa mang nhiều nét của Phật giáo Trung Hoa nhưng phát triển theo hệ phái Phật giáo Việt tông.
Người Thái, người Việt Nam và người Hoa cùng đến cúng lễ thờ phụng tại ngôi chùa này, thể hiện nét đẹp bao trùm của Đạo Phật, nơi mọi người bất kể từ nước nào, đều có thể cùng chia sẻ niềm tin tôn giáo.
Hiện nay, Thái Lan cũng là quốc gia có nhiều ngôi chùa nhất hành trì các nghi lễ theo truyền thống Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài.
Cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan luôn tự hào về nền văn hóa và truyền thống tốt đẹp hàng nghìn năm của dân tộc, trong đó hình ảnh quê nhà với ngôi chùa thân thuộc không thể nào thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
Ông Lương Xuân Hòa, Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Udon Thani, nơi có nhiều người gốc Việt nhất ở Thái Lan, chia sẻ tên chùa là Tam Bảo có từ xưa, trên là tên tiếng Thái, bên dưới là chữ Nho do có từ thời chưa có nhiều người biết chữ Quốc ngữ. Tên chùa đọc theo tiếng Việt và các thầy cũng tụng kinh theo tiếng Việt như kiểu xưa.
Các ngôi chùa gốc Việt tại “xứ sở Chùa Vàng” chính là nơi bà con kiều bào giao lưu, gặp gỡ và thăm hỏi lẫn nhau, nhất là trong những dịp lễ tết.
Đó cũng là không gian để mọi người có thể bộc bạch và gửi gắm tình cảm đối với quê hương đất tổ, là địa chỉ văn hóa tâm linh của những người con xa xứ và là cơ sở để vun đắp cho quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc Việt Nam-Thái Lan.
Theo Ngọc Quang-Hữu Kiên (TTXVN/Vietnam+)