Sinh động Makara đất nung Champa
Trong truyền thuyết Ấn Độ giáo, Makara là con vật sáng tạo thần thoại liên quan đến nước - thủy quái là tên thường được gọi khi nó là vật cưỡi của thần cai quản đại dương Varuna, đồng thời cũng là vật cưỡi của nữ thần Ganga (Nữ thần sông Hằng). Con vật này xuất hiện khá nhiều trong điêu khắc Ấn Độ giáo và các nước chịu ảnh hưởng bởi văn hóa, tôn giáo Ấn Độ, trong đó có Champa.
Hình tượng Makara được phát hiện nhiều tại các di tích và phế tích Champa trên đất Bình Định như tại di tích tháp Dương Long, các phế tích Tháp Mẫm, Lai Nghi, Xuân Mỹ… Người ta thường gặp hình ảnh Makara ở nhiều hình dạng khác nhau: Khi thì là hình dạng một con vật cụ thể, khi thì xuất hiện ở hình dạng một quái thú có sự kết hợp một phần bộ phận của các con vật linh thiêng khác nhau. Những hình thái vừa chân thực vừa quái dị và nét đáng sợ của Makara chứa đựng nhiều ý nghĩa triết lý về sinh - tử từ con người cũng như vạn vật trong thiên nhiên. Đây chính là nét sáng tạo của nghệ nhân Champa khi đưa vào hình tượng Makara nguyên bản của Ấn Độ giáo thêm những nét sáng tạo lấy cảm hứng từ những con vật gần gũi trong đời sống của mình như: Voi, cá sấu… Liên quan đến điều này, trong tác phẩm “Vương quốc Chàm”, G. Maspero chỉ rõ: Có một con vật chỉ có trong nghệ thuật Chàm thôi, ngoài ra không thấy ở đâu cả, đó là con Makar, một quái vật vừa giống cá sấu, vừa giống voi, lại vừa giống sư tử”.
Makara đất nung phát hiện tại phế tích tháp Lai Nghi, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn được chạm khắc một mặt, trong tư thế miệng há rộng. Dù là trang trí đất nung nhưng Makara được tạo hình khá công phu, tỉ mỉ với hoa văn trang trí sắc nét, chi tiết, mô tả sinh động nét dữ tợn vốn có của con vật truyền thuyết như: miệng há rộng, đôi hàm răng gồm nhiều chiếc xếp liên tiếp, mắt mở to, lồi; đuôi lông mày xếch, uốn cong nhọn. Đặc biệt, phía trong mép miệng có hai chiếc răng nanh cong nhọn hướng lên phía trên càng tăng thêm nét dữ tợn của con vật.
Makara phế tích tháp Lai Nghi
So với các Makara khác có miệng thường nhả ra một dải băng hoa văn tượng trưng cho dòng nước thần thánh trong truyền thuyết, Makara Lai Nghi miệng chỉ thè lưỡi ra, uốn cong, tai vểnh lên, dưới cằm còn có chòm râu nhọn. Trước ngực có đeo yếm trang trí cầu kỳ những đường xoắn móc bốn lớp. Từ tai xuống cằm là một vòng hạt tròn kết dải. Phía trên đỉnh đầu là những đường xoắn móc tương tự chiếc bờm dựng đứng. Những nét hoa văn này mang nhiều đặc điểm của sư tử, nên đây còn được gọi dưới dạng một biến thể là Sư tử - Makara.
Một loại hình Makara đất nung khác mới được phát hiện trong cuộc khai quật khảo cổ học phế tích tháp Xuân Mỹ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, cũng tương đối độc đáo. Tuy được làm bằng chất liệu đất nung nhưng Makara phế tích tháp Xuân Mỹ có những nét khá tương đồng với các loại hình Makara bằng đá sa thạch phát hiện được trong các cuộc khai quật tại tháp Dương Long và phế tích Tháp Mẫm. Tuy nhiên, đi vào chi tiết vẫn thấy có một số nét khác biệt.
Makara phát hiện tại phế tích Xuân Mỹ được làm từ chất liệu đất nung, được tạo dáng dưới dạng một chiếc đầu nghiêng một bên, không có phần thân. Đầu Makara đang trong tư thế miệng há rộng, để lộ hai hàm răng lởm chởm, sắc nhọn; sát bên trong khóe miệng chìa ra một chiếc răng nanh lớn cong nhọn, trông rất dữ tợn. Tai lớn, vểnh lên; mắt to, lồi tròn; lông mi xếp nhiều lớp; đuôi lông mày xếch ngược và uốn nhọn. Phần đầu cùng của hàm trên uốn cong như cái vòi của một con voi, còn hàm dưới dài nhọn chìa thẳng ra phía trước và lởm chởm đầy răng nhọn. Miệng Makara nhả ra dải băng hoa tượng trưng cho nước mưa thần thánh tưới cho cuộc sống sinh sôi. Loại hình phù điêu Makara đất nung này thường được sử dụng để gắn lên vòm cửa giả và cửa chính của tháp.
Makara phế tích tháp Xuân Mỹ.
Nhìn chung, các phù điêu Makara phát hiện được tại các di tích, phế tích tháp Chăm Bình Định được thể hiện khá sinh động với các tiêu bản khác nhau. Mỗi tiêu bản có những nét biến thể, sáng tạo riêng, lồng ghép thêm những chi tiết hình ảnh của một con vật gần gũi trong văn hóa của người Chăm như: Voi, cá sấu, sư tử… làm cho hình tượng con vật huyền thoại Makara trong Ấn giáo, qua bàn tay nghệ nhân Champa trở nên sinh động, gần gũi hơn với nét văn hóa bản địa của người Chăm xưa.
NGUYỄN VIẾT TUẤN