XÃ PHƯỚC QUANG (HUYỆN TUY PHƯỚC):
Bất thường trong chứng thực giấy tờ
Gần đây, tại xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) có dư luận về việc Chủ tịch UBND xã và công chức tư pháp xã có sai sót trong chứng thực giấy tờ, hồ sơ. Đáng chú ý, số giấy tờ có liên quan tới người thân của công chức tư pháp xã, dù không đúng thực tế vẫn được chứng thực.
Tháng 9.2019, ông Võ Văn Phú (SN 1979, ở tỉnh Quảng Ngãi) chứng thực một số giấy tờ tại UBND xã Phước Quang; trong đó có “Bằng nghề” do Trường Công nhân cơ giới II (Bộ NN&PTNT) cấp năm 2001. Thời điểm này, ông Phú là chồng của bà Nguyễn Thị Như Thuyền - công chức tư pháp của UBND xã Phước Quang.
Đáng nói, nội dung trong bản chính và bản phô tô “Bằng nghề” không giống nhau nhưng bà Thuyền vẫn chứng thực, sao y bản chính và ông Đoàn Văn Điệp - Chủ tịch UBND xã Phước Quang ký tên, đóng dấu. Cụ thể, bản chính “Bằng nghề” số hiệu 000108329/LĐTBXH-DN cấp ngày 10.9.2001, tại mục nghề đào tạo ghi “Lái máy ủi, cạp”. Còn bản phô tô “Bằng nghề” số hiệu 000108329/ LĐTBXH-DN cấp ngày 10.9.2001, tại mục nghề đào tạo ghi “Lái máy xúc, lật”.
Bản chính và bản phô tô “Bằng nghề” của ông Phú có sự sai khác về nghề đào tạo. Ảnh: C.L
Bên cạnh đó, bà Thuyền còn trình ông Điệp ký xác nhận đơn xin việc và sơ yếu lý lịch của ông Phú. Cả 2 loại giấy tờ này ghi không đầy đủ nội dung theo quy định nhưng ông Điệp vẫn ký tên, đóng dấu. Đặc biệt, thời điểm năm 2019, ông Phú không có hộ khẩu thường trú tại xã Phước Quang, nhưng ông Điệp vẫn xác nhận với nội dung “UBND xã Phước Quang xác nhận Võ Văn Phú, SN 1979, có hộ khẩu thường trú tại địa phương là đúng”.
Liên quan việc này, ngày 4.5, phóng viên Báo Bình Định làm việc với ông Đoàn Văn Điệp, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Phước Quang và bà Nguyễn Thị Như Thuyền, công chức tư pháp xã. Theo bà Thuyền, có thể lúc đó ông Phú cung cấp cho bà 2 bản chính “Bằng nghề”; một bằng ghi “Lái máy ủi, cạp”, một bằng ghi “Lái máy xúc, lật” nên mới có chuyện “bản chính một đằng, bản phô tô một nẻo”.
Bà Thuyền cũng thừa nhận, ông Phú không có hộ khẩu thường trú tại xã Phước Quang. Việc bà trình ông Điệp ký xác nhận ông Phú có hộ khẩu tại địa phương nhằm tạo điều kiện cho ông Phú xin việc làm.
Chúng tôi thắc mắc, quả như ông Phú cung cấp 2 bản chính “Bằng nghề” như bà Thuyền nói, thì cũng không thể có chuyện 2 bằng có số hiệu, ngày cấp, thời gian đào tạo trùng khớp nhau như trong bản chính và bản phô tô mà UBND xã Phước Quang đã chứng thực ngày 5.9.2019 (Số CT: 3359; Quyển số 2 SCT/B9). Bà Thuyền không trả lời câu hỏi này mà đề nghị phóng viên tìm ông Phú điều tra, xác minh.
Trong khi đó, ông Điệp cho biết: “Nếu có sai sót trong chứng thực thì cán bộ phụ trách chuyên môn chịu trách nhiệm. Trước giờ làm gì có lãnh đạo xã nào gọi cán bộ chuyên môn đem bản chính và bản phô tô lên để đối chiếu rồi mới ký. Mỗi ngày có nhiều trường hợp tới xã chứng thực, tôi không có thời gian đi hỏi từng trường hợp cụ thể”.
Việc UBND xã Phước Quang sao y bản chính, ký tên đóng dấu khi bản chính và bản phô tô không trùng khớp là sai quy định về công chứng, chứng thực. Các ngành chức năng liên quan của huyện Tuy Phước cần kiểm tra, chấn chỉnh, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
CÔNG LUẬN - XUÂN VINH