Phát huy vai trò người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong chuyển đổi số
Chuyển đổi số là bước đi tất yếu trong thời đại công nghiệp lần thứ 4 hiện nay. Đây là cơ sở, nền tảng để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số trong môi trường số an toàn, văn minh… Để hiểu thêm vấn đề này, phóng viên Báo Bình Định có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Minh Thảo.
Ông Thảo cho biết: Để thích ứng với tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chương trình hành động, chỉ thị, quyết định nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ số và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Tại Bình Định, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20.9.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX) về CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
* Mục tiêu cụ thể của kế hoạch, nhất là giai đoạn từ nay đến 2025 là gì, thưa ông?
- Kế hoạch tập trung phát triển và hoàn thiện nền tảng CĐS của tỉnh trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cụ thể, ở lĩnh vực chính quyền số, tỉnh sẽ tập trung nâng cao hiệu lực hoạt động, phấn đấu đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng… Với phát triển kinh tế số, phấn đấu kinh tế số chiếm 10% GRDP, tối thiểu 50% sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được chứng nhận thương hiệu có mặt trên các sàn thương mại điện tử, hình thành 100 DN công nghệ số, DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khu công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định, thu hút khoảng 2.000 chuyên gia, lao động làm việc tại công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định và Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ Long Vân... Còn ở phát triển xã hội số, tỉnh phấn đấu hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ, 100% xã, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G và điện thoại thông minh, từng bước phát triển mạng 5G, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%...
* Chắc hẳn, những chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 đã được nghiên cứu rất kỹ để thúc đẩy CĐS nhanh trên các lĩnh vực?
- Nhiều năm qua, hạ tầng viễn thông, mạng lưới viễn thông trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, phát triển và mở rộng phạm vi phục vụ; từng bước đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa của nhân dân ở nhiều vùng (nông thôn, vùng sâu, vùng xa); đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành, công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh được thông suốt, kịp thời, góp phần quan trọng trong phát triển KT - XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh... Trên địa bàn tỉnh có 4 DN hoạt động trong lĩnh vực thông tin di động, gồm Viettel, Vinaphone, Vietnamobile, Mobifone, với 1.723 trạm thu phát sóng; tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 3G, 4G đã đạt 100% tại trung tâm các xã, thị trấn. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 55% số gia đình và hơn 99% số xã, thị trấn. Tổng số thuê bao điện thoại cố định trong toàn tỉnh ước tính hơn 25.378 số. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G và điện thoại di động thông minh trên 1,115 triệu thuê bao. Chưa kể, số DN công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh phát triển qua từng năm (cuối 2021, toàn tỉnh có 96 đơn vị, trong đó có 12 DN sản xuất sản phẩm phần mềm).
Đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước cơ bản được kiện toàn. Hiện, 100% các sở, ngành và UBND cấp huyện đều có cán bộ quản trị mạng; 4 trường đại học, cao đẳng có đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, mỗi năm đào tạo 800 sinh viên trình độ đại học, cao đẳng… Đó là những “nền tảng” căn cơ để tỉnh ta đẩy mạnh CĐS trong toàn tỉnh.
* Theo ông, tổ chức, cá nhân nào là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự thành công trong CĐS?
- Để thực hiện 3 trụ cột về CĐS theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, tương ứng với 3 đối tượng phải thực hiện CĐS là chính quyền, DN và người dân. Như vậy là toàn xã hội phải thực hiện CĐS, nhưng trong đó, chính quyền mà cụ thể là các cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đóng vai trò định hướng, dẫn dắt. DN phải phát huy tối đa tính đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh dựa trên các nền tảng ứng dụng dữ liệu số. Người dân phải tích cực tham gia, sử dụng các nền tảng số để nâng cao năng suất lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đồng thời là lực lượng trực tiếp tương tác, phản ánh, giúp chính quyền cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ, giúp DN nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm trên môi trường số.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)