Phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”: Kích cầu tiêu dùng hàng Việt
Sau thời gian dài tạm ngừng do dịch bệnh, các phiên chợ hàng Việt về nông thôn hoạt động trở lại. Người dân ở nông thôn có cơ hội tiếp cận trực tiếp với thương hiệu, DN Việt; tin cậy và củng cố thói quen tiêu dùng hàng Việt.
Sôi động trở lại
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gần 1 năm, cơ sở bún phở khô Cô Phương, ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, không tham gia các đợt xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Khi nhận thông báo khởi động lại các phiên chợ hàng Việt của Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại (Trung tâm KC - XTTM, Sở Công Thương), và phiên chợ diễn ra tại phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn (từ ngày 7 - 16.5), bà Hà Thị Hương, chủ cơ sở bún phở khô Cô Phương liền đăng ký tham gia. Bà Hương cho biết: “Trước đây, tôi tham gia tất cả các phiên chợ mà Trung tâm thông tin. Khi tham gia, chúng tôi được hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng. Đặc biệt, với các phiên trong tỉnh, chúng tôi có sẵn xe tải nên việc vận chuyển hàng hóa rất thuận lợi. Cơ sở chỉ lo quảng bá sản phẩm, tiếp xúc người dùng thật tốt”.
Tại các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, Trung tâm KC - XTTM ưu tiên mời gọi các sản phẩm hợp chuẩn OCOP Bình Định, tích cực hỗ trợ việc quảng bá. Bà Nguyễn Thị Ánh, 65 tuổi, ở khu phố 8, phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn, cho biết: “Các phiên chợ hàng Việt đều được tổ chức rất bài bản. Lần này, sau một thời gian dài vắng bóng do dịch bệnh, chắc còn lớn và hấp dẫn hơn. Tại phiên chợ có đủ các loại hàng tiêu dùng, dệt may, văn phòng phẩm… Hàng hóa đa dạng, giá cả phải chăng, như: quần, áo thời trang từ 50.000 - 250 nghìn đồng; đồ gia dụng, đồ dùng học sinh đồng giá 5.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, giày dép 35.000 đồng/đôi…”.
Người dân tham quan, mua sắm tại phiên chợ Đưa hàng Việt về nông thôn tại TX Hoài Nhơn. Ảnh: HẢI YẾN
Không chỉ kích thích tiêu dùng, phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” còn là cầu nối, tạo điều kiện cho các cơ sở, DN sản xuất - kinh doanh trong và ngoài tỉnh có cơ hội khảo sát nhu cầu tiêu dùng của người dân, tìm kiếm thị trường, thành lập chi nhánh, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm và hợp tác sản xuất - kinh doanh.
Ông Nguyễn Ngọc Hiên, Phó Giám đốc công ty TNHH cà phê An Phú Quý, TX Hoài Nhơn, cho biết: “Hiện nay, mỗi ngày, công ty bán được 1 triệu đồng tiền cà phê Gu’s tại phiên chợ. 7 khách hàng sỉ dùng thử, mua sỉ 5 kg để bán tại các quán cà phê và đăng ký mở quầy cà phê nhượng quyền Takeaway (mang đi). Đây là tín hiệu vui mừng cho công ty khi sản phẩm cà phê nguyên chất được nhiều khách hàng tin dùng”.
Ưu tiên chọn hàng Việt
Trò chuyện với tôi, bà Lê Thị Mỹ Hòa, 43 tuổi, ở khu phố Công Thạnh, phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn, nhận xét: “Thị trường hàng hóa thật giả lẫn lộn, khó phân biệt. Mỗi khi có phiên chợ Việt tổ chức ở thị xã, tôi đều đến tham quan, mua sắm. Hàng hóa ở đây có nguồn gốc rõ ràng, giá cả cũng vừa túi tiền. Nhưng quan trọng hơn, từ những phiên chợ như thế này, tôi ghi nhớ được nhiều sản phẩm chất lượng tốt do các cơ sở trong tỉnh sản xuất, các nhãn hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, giá hợp lý!”.
Từ góc nhìn của bà Hoa có thể thấy rằng, những nỗ lực kích cầu tiêu thụ hàng Việt thông qua các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”do Sở Công thương phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và UBND các huyện, thị xã trong tỉnh tổ chức mấy năm qua đã có kết quả tích cực. Bởi lẽ sau gần 2 năm gián đoạn, ngay khi trở lại Phiên chợ vẫn thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng.
Người dân mua cà phê Gu’s dùng thử tại phiên chợ. Ảnh: HẢI YẾN
Bà Trần Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Sau phiên chợ tại phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn, Sở Công Thương sẽ mở tiếp phiên chợ tại huyện Hoài Ân từ ngày 20 - 26.5; huyện Vĩnh Thạnh từ 29.5 - 5.6; huyện An Lão ngày 16 - 22.6. Mỗi năm phiên chợ hàng Việt lại được luân phiên tổ chức tại các địa phương trong tỉnh. Tại các phiên chợ, sản phẩm Bình Định được hỗ trợ miễn phí 100% tiền thuê 2 gian hàng tiêu chuẩn 3 m x 3 m. Đây cũng là dịp để tuyên truyền các tầng lớp nhân dân về thói quen tin dùng hàng Việt Nam chất lượng cao, xây dựng mô hình Tự hào hàng Việt”.
Trong bối cảnh hàng hóa Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập thì những phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển thị trường, xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt. Song, để tăng hiệu quả hơn nữa chương trình này, cùng với những giải pháp thiết thực của ngành chức năng thì mỗi cơ sở sản xuất, DN tham gia phiên chợ cần đầu tư để nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, tích cực nghiên cứu thị trường nhằm đảm bảo cung ứng các mặt hàng phù hợp tại mỗi nơi tham gia.
HẢI YẾN