Lắng nghe những thanh âm tâm hồn…
Sinh thể thi ca - Thanh âm tâm hồn… (NXB Khoa học Xã hội, 2022) là tập tiểu luận, nghiên cứu vừa ra mắt bạn đọc đầu tháng 5.2022. Sách dày dặn với 440 trang, tập hợp 18 bài viết của những người gắn bó lâu năm với công tác giảng dạy ở các trường đại học, THPT của Bình Định và một số nơi khác. Sách do Th.S Lê Từ Hiển và Lê Minh Kha (Trường ĐH Quy Nhơn) đồng chủ biên.
Thi ca bắt nhịp với những tâm hồn đồng điệu, mở ra những thanh âm diệu kỳ, nâng bước cho những thăng hoa xúc cảm. Nhưng để đi đến cái thấu tận mà đau thương, day dứt, mà hân hoan, bùng vỡ thì ngoài sự tinh tế cảm thụ văn chương, còn cần có những nền tảng nhất định về nhận thức, ngôn ngữ, tầm đón đợi. Với tập sách, người đọc sẽ tiệm cận tốt hơn thế giới thi ca, phong cách nghệ thuật của những nhà thơ, những tác phẩm đồ sộ mà các thế hệ học sinh, sinh viên đã từng tiếp xúc. Ta có thể tìm hiểu qua nhiều bài viết thú vị như: Nguyễn Bính - Lưu Trọng Lư - Những người thơ mơ những mộng tình (tác giả Nguyễn Bích Duyên, Lê Tấn Thích); Cái tôi trữ tình trong thơ Chế Lan Viên (tác giả Trần Thanh Bình, Võ Như Ngọc); Một số biểu tượng nghệ thuật trong thi giới Xuân Diệu - Xuân Quỳnh (tác giả Lê Từ Hiển, Hoàng Quỳnh Anh); Sắc thái văn hóa trong ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều (tác giả Võ Minh Hải); Nhạc cảm trong thơ Hàn Mặc Tử (tác giả Nguyễn Thị Nguyệt Trinh, Lê Thế Tạo)…
Và một cách cụ thể, thế giới thơ hiện lên chi tiết, sinh động qua sự thụ cảm, phân tích một tác phẩm thơ riêng lẻ như bài viết Về bài thơ Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh của Chế Lan Viên (tác giả Trần Hà Nam); hay Về bài thơ Trò chuyện với bến sông của Lưu Quang Vũ (tác giả Hà Hoài Phương). Hoặc, từ những tác phẩm kịch, người viết lội ngược về thế giới thẳm sâu của thân phận và tình yêu để đi tìm những sinh thể thi ca, chất thơ đang tồn sinh. Từ đó cung cấp cho người đọc thấy rõ sự diễn tấu của âm, tiết tấu, nhịp điệu, thi ảnh… đã tạo nên hiệu ứng ngôn ngữ thơ. Ở phương diện này, tiêu biểu có bài viết khá lý thú Chất thơ trong bi kịch của Shakespeare (tác giả Mai Xuân Miên và Lê Minh Kha).
Với tập sách Sinh thể thi ca- Thanh âm tâm hồn…, mỗi bài viết - một góc nhìn thú vị đưa người đọc bước vào cánh đồng thi ca để chan hòa trong cái đẹp, sự lãng mạn và lôi cuốn của thế giới ngôn từ. Nhiều bài viết cho thấy sức nặng của tinh thần nghiên cứu chuyên sâu trên nền tảng lý thuyết vững chãi, hệ thống cứ liệu tỉ mỉ, những phân tích sắc sảo. Cuốn sách thêm một nguồn tư liệu hữu ích cho bạn đọc yêu thơ và phục vụ trong công tác dạy và học ở nhà trường.
VÂN PHI