Nhìn nhận đúng đắn, khách quan về công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực
Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước ngày càng ra sức chống phá, xuyên tạc công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của Ðảng ta.
Những luận điệu sai trái, thù địch được tung ra khắp nơi, đặc biệt, mạng xã hội vẫn là mảnh đất màu mỡ nhất cho các hoạt động chống phá. Trong giai đoạn chuẩn bị tiến hành tổ chức Đại hội lần thứ XIII của Đảng, có khoảng 36% các thông tin sai trái, thù địch liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta.
Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) tiếp tục nhấn mạnh vai trò quan trọng của công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh tư liệu
Phổ biến là những luận điệu phủ nhận năng lực của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, cố tình xuyên tạc các hoạt động đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam là kiểu “giật gấu vá vai”, “che mắt thế gian”, “thanh trừng bè phái”...
Trên thực tế, xuyên suốt quá trình hoạt động, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng. Ở Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục nêu cao quyết tâm chính trị trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đảng xác định công tác phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; làm gia tăng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm”.
Đồng chí cũng khẳng định: “Chúng ta càng cần phải kiên quyết đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh””. Việc tăng cường chống tham nhũng, tiêu cực cũng là cách để mỗi cán bộ, đảng viên thêm vững tin vào Đảng, vào chế độ- một đảng sinh ra không phải để làm quan phát tài, một chế độ luôn lấy sự phồn vinh của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, những năm gần đây, nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực đã được điều tra, xử lý. Trong năm 2021, cả nước đã khởi tố, điều tra 390 vụ án/1.011 bị can về các tội tham nhũng, lợi dụng chức vụ.
Đặc biệt, thời gian gần đây, liên tiếp khởi tố mới nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp; tiếp tục mở rộng điều tra, kiên quyết, kiên trì đi sâu làm rõ bản chất tham nhũng, tiêu cực trong nhiều vụ án, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng, trong đó 10 trường hợp cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Nổi bật như điều tra, xử lý nghiêm vụ án đưa, nhận hối lộ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; một số vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế, lợi dụng phòng, chống dịch Covid-19 để trục lợi. Hay mới đây là các vụ án liên quan đến Trịnh Văn Quyết, Tập đoàn Tân Hoàng Minh…
Cần phải nhìn thẳng thực tế khách quan và khẳng định: Công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay của Đảng và Nhà nước được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm làm trong sạch bộ máy, tổ chức của Đảng, Nhà nước. Đây hoàn toàn không phải các cuộc “đấu đá” hay “thanh trừng nội bộ” như luận điệu xuyên tạc của các đối tượng phản động, cơ hội chính trị rêu rao, hòng làm lung lay lòng tin, của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Mỗi cán bộ, đảng viên, người dân cần chủ động lựa chọn kênh thông tin chính thống, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tích cực học tập nâng cao trình độ, tu dưỡng phẩm chất đạo đức để có cách nhìn nhận đúng đắn về công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta. Từ đó, tự nâng cao “sức đề kháng”, phản biện trước những thông tin sai lệch, phiến diện, xuyên tạc trong tình hình hiện nay.
Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Tạo sự liền mạch, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương
Tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), 63/63 tỉnh ủy, thành ủy nhất trí với chủ trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét, quyết định về chủ trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Theo đánh giá của một số chuyên gia trên lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng, việc thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là rất cần thiết, góp phần đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo sự liền mạch, chặt chẽ từ Trung ương xuống đến cơ sở.
MAI LÂM