Đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoàn thành 2 dự án đường vành đai
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ tính hiệu quả, làm tăng tổng mức đầu tư đối với đường song hành 2 bên Vành đai. Đồng thời đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội đối với việc hoàn thành 2 dự án quan trọng quốc gia này.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 11, chiều 12.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TPHCM.
Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội dài 112km, trong đó có 58km đi qua TP Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh. Nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.341 ha. Tuyến đường vành đai 4 được giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh với bề rộng từ 90 đến 135m; gồm 6 làn cao tốc và hệ thống đường đô thị song hành 2 bên và dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai. Tuy nhiên, thẩm tra dự án, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cần làm rõ tính hiệu quả, làm tăng tổng mức đầu tư đường song hành 2 bên Vành đai.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đề nghị: “Đường song hành với mặt cắt ngang rất lớn, từ 30-50m, mà 2 đường song hành hai bên. Đường song hành này nếu tính ra làm nhiều tiền hơn cái đường chính của đường vành đai. Phải xác định đường vành đai có phải là đường cao tốc hay không để bố trí đường song hành. Theo tôi, đường vành đai cũng là đường đô thị, chứ đâu phải đường vành đai đường cao tốc. Thường cao tốc mới bố trí song hành hoặc đường ray xe lửa. Xem lại đường song hành có cần thiết hay không? vì đường vành đai cũng là nằm trong đô thị. Cho nên đầu tư đường song hành xem ra cũng không hiệu quả mà tăng tổng mức đầu tư rất lớn”.
Trên cơ sở kinh nghiệm đầu tư các tuyến đường vành đai, đặc biệt là đường vành đai 3 Hà Nội, để giải quyết các giao cắt hai bên tuyến, Chính phủ lựa chọn phương án 65% chiều dài đường Vành đai 4 đi trên cao; còn khoảng 39km được thiết kế đi thấp để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư. Chính phủ đề xuất dự án áp dụng hình thức đầu tư công, kết hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng, trong đó sử dụng 56.403 tỷ đồng vốn đầu tư công và 29.410 tỷ đồng vốn BOT. Do đó, hình thức đầu tư của Dự án phải là dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án Vành đai 3 TPHCM khoảng 75.378 tỷ đồng vốn đầu tư công. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần đánh giá kỹ về tính cấp bách và khả năng bố trí nguồn lực, đánh giá tác động của việc sử dụng vốn đầu tư công để triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng đối với lạm phát, khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, thi công.
Tại phiên họp, đại diện các tỉnh, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An thuộc phạm vi Dự án cho biết đang triển khai, thực hiện lập quy hoạch tỉnh, cam kết thực hiện đúng kế hoạch của dự án đường vành đai 3 để đưa vào sử dụng sớm.
Liên quan đến việc Chính phủ đề xuất cho phép phát hành trái phiếu cho các địa phương vay lại, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM Phan Văn Mãi nêu rõ: “Chúng tôi đã tiến hành phát hành trái phiếu này. Thời gian vừa qua, chúng tôi đã phát hành được gần 3.000 tỷ. Về mặt kinh nghiệm kỹ thuật TPHCM có thể làm được, nhưng trong vốn Vành đai 3 thì TPHCM chiếm nhiều nhất ngân sách địa phương của TPHCM trên 24.000 tỷ, kế đến là Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Đây là một cơ chế mới thống nhất, nếu có điều kiện thì Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại và sẽ được trả trong kỳ trung hạn sau, các địa phương trong dự án đỡ phải cân đối đầu tư công trung hạn kỳ này”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của 2 Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TPHCM. Đề nghị Chính phủ có cam kết trước Quốc hội có đảm bảo thời gian thực hiện. Đồng thời yêu cầu tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị hoàn thiện hồ sơ Dự án để trình Quốc hội, khắc phục tình trạng “trình lấy được”.
Chủ tịch Quốc hội Đề nghị các địa phương có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cam kết thực hiện Dự án: “Hội đồng nhân dân phải ra Nghị quyết cam kết. Một là, tổng số vốn được bố trí cho dự án này như trong dự án đã quy định. Thứ hai, tiến độ giải ngân trung ương từng này, địa phương trường này thì theo tiến độ bố trí theo tiến độ. Thứ ba là cam kết khi tổng mức đầu tư tăng thêm thì địa phương phải cam kết bỏ thêm tiền vào. Có cam kết không? có nội dung hay chưa. Tuy là địa phương cam kết, nhưng cơ quan trình phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, ràng buộc trách nhiệm. Nếu như địa phương thực hiện được thì Chính phủ là người chịu trách nhiệm, cơ quan trình chịu trách nhiệm”.
Cũng trong chiều nay, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã tán thành thông qua Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Phương Sơn thuộc huyện Lục Nam và thành lập thị trấn Bắc Lý thuộc huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
Trước đó, sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị đề tăng cường tính dân chủ, mở rộng dân chủ trong hoạt động của Quốc hội tại Kỳ họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định hiện hành về thời gian phát biểu tối đa của đại biểu Quốc hội là không quá 7 phút và quy định một số tiêu chí làm rõ trong trường hợp cần thiết chủ tọa phiên họp có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả thảo luận.
Theo chương trình, ngày 13.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bế mạc. Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc dự kiến phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Xem xét việc bổ sung kế hoạch ngân sách trung ương năm 2022 trong nước phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 1 các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa -Vũng Tàu. Cho ý kiến về việc chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách nhà nước.
Theo Lại Hoa (VOV1)