Hội nghị Gặp gỡ Hàn Quốc 2022: Thêm hiểu, thêm tin, siết tay hợp tác
Với chủ đề “Hội tụ nguồn lực, chung tay phát triển”, Hội nghị Gặp gỡ Hàn Quốc 2022 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị tỉnh sáng 13.5 đã phát huy hiệu quả trong kết nối các địa phương khu vực Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên (Việt Nam) với các đối tác Hàn Quốc.
Tham dự Hội nghị, về phía Trung ương có đồng chí Nguyễn Minh Vũ - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao. Về phía Hàn Quốc, có các ông: Park Noh-wan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam; Ahn Min-sik, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP Đà Nẵng; Kwon Kiman, Tham tán thương mại Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh; Cho Han Deog, Giám đốc quốc gia Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA); Kim Kwan Mook, Tổng Giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh (KOTRA HCMC); Kim Ountae, Tổng Giám đốc KOTRA Đà Nẵng; Shon Young Il, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và Nam Việt Nam (KOCHAM).
Về phía lãnh đạo tỉnh, có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Phi Long - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực Nam Trung Bộ và các tổ chức Hàn Quốc tham gia trao đổi về tình hình hợp tác. Ảnh: H.PHÚC
Dự Hội nghị còn có lãnh đạo 9 tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông; cùng hơn 150 DN của Việt Nam và Hàn Quốc.
“Đòn bẩy” thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, thế mạnh
Những thông tin chia sẻ tại Hội nghị đều cho thấy sự cần thiết của việc tổ chức sự kiện; đây thật sự là “đòn bẩy” tăng cường thu hút đầu tư, phát triển KT-XH.
“Tổng thống Hàn Quốc cam kết sẽ tăng cường quy mô, chất lượng đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài tiềm năng, lợi thế, các tỉnh, thành phải đáp ứng thêm các điều kiện đã được chia sẻ, góp ý thẳng thắn tại Hội nghị. Qua đó, hai bên có sự chuẩn bị tốt hơn và nỗ lực hơn nữa để tạo sự bứt phá trong tương lai”.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao NGUYỄN MINH VŨ
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành đối tác, hợp tác chiến lược tin cậy chính trị; hiểu biết lẫn nhau ngày càng được củng cố. Trong đó, hợp tác kinh tế luôn là trụ cột, là điểm sáng trong bức tranh tổng thể trong quan hệ hợp tác, cùng phát triển.
Năm 2021, Hàn Quốc tiếp tục giữ vị trí là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 9.265 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 78,6 tỷ USD; là đối tác ODA, du lịch, lao động lớn thứ 2 và đối tác thương mại đứng thứ 3, với tổng kim ngạch song phương đạt trên 78 tỷ USD, gấp hơn 150 lần so với thời điểm 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1992). Tuy nhiên, trong bức tranh chung này, đóng góp đầu tư vào khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên còn khiêm tốn; tính đến tháng 4.2022, các DN Hàn Quốc đầu tư chỉ hơn 4,5 tỷ USD vào các tỉnh, thành trong khu vực.
Trước thực trạng ấy, Hội nghị đã tạo điều kiện cho lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực chia sẻ về thế mạnh, tiềm năng trên các lĩnh vực của từng địa phương; chủ trương, các lĩnh vực cần thu hút đầu tư từ các tổ chức, DN, đối tác Hàn Quốc.
Tham gia thảo luận, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cho biết, các lĩnh vực Bình Định cần các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm gồm: Du lịch, năng lượng xanh, phát triển công nghiệp, chế biến, chế tạo và các lĩnh vực khác. Mong muốn của tỉnh là vốn đầu tư của các DN Hàn Quốc vào tỉnh ngày càng cao hơn. Tỉnh cam kết sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các DN Hàn Quốc sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long (giữa) chia sẻ ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: H.PHÚC
“Sau Hội nghị hôm nay, tỉnh mong muốn các DN Hàn Quốc là các vị khách quý đến khai phá các tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh đầu tư tại Bình Định và các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
“Mong rằng Hội nghị không dừng lại ở việc trao đổi, thảo luận mà sẽ được hiện thực hóa bằng những hoạt động, dự án hợp tác đầu tư cụ thể qua sự quan tâm, phối hợp giữa hai bên. Dự kiến, cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm nay, sẽ có sự kiện xúc tiến đầu tư lớn giữa hai nước diễn ra tại TP Seoul (Hàn Quốc), tôi trân trọng mời lãnh đạo, DN các tỉnh, thành trong khu vực tham gia sự kiện này”.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam PARK NOH-WAN
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên, một trong những lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên mời gọi đầu tư là xử lý rác thải. Tỉnh rất sẵn sàng tiếp đón các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh có lợi thế lực lượng lao động trẻ dồi dào, được đào tạo tay nghề bài bản, nên rất quan tâm đến vấn đề hợp tác, xuất khẩu lao động có thời hạn giữa Quảng Ngãi với các địa phương của Hàn Quốc. Ngoài ra, nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác, kết nối phát triển giữa các DN Hàn Quốc với địa phương.
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân thông tin với đối tác Hàn Quốc về định hướng đưa Khánh Hòa đến năm 2030 thành thành phố trực thuộc Trung ương. “Có thể nói, đây là điều kiện thuận lợi để địa phương mời gọi, hợp tác đầu tư với các đối tác trong nước và quốc tế. Với lợi thế là tỉnh nằm trung tâm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, có nhiều tiềm năng, lợi thế, Khánh Hòa luôn sẵn sàng tiếp đón các nhà đầu tư từ Hàn Quốc và các nước khác đến xúc tiến đầu tư, kinh doanh”, ông Tuân nói.
Đối với khu vực Tây Nguyên, lãnh đạo các tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông cũng chia sẻ về thế mạnh, tiềm năng trên các lĩnh vực của từng địa phương; chủ trương thu hút đầu tư, mời gọi các tổ chức, DN, đối tác Hàn Quốc hợp tác đầu tư vào du lịch, công nghiệp, chuỗi nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch…
“Hiện thực hóa” cam kết, sẵn sàng nguồn lực
Hiệu quả thiết thực của Hội nghị không chỉ thể hiện qua điều kiện để các tỉnh, thành trong khu vực giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh, mà còn là ghi nhận được những chia sẻ, góp ý thẳng thắn từ thực tế của lãnh đạo các đơn vị, tổ chức Hàn Quốc - “nhịp cầu” rất quan trọng đưa nhà đầu tư đến các địa phương.
“Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được trong 30 năm qua, cùng với những nét tương đồng về lịch sử và văn hóa giữa hai dân tộc, Hội nghị lần này sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc. Đồng thời, mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác phát triển giữa các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với các địa phương, cơ quan, tổ chức, DN Hàn Quốc, đúng như tinh thần Hội nghị đã đề ra- “Hội tụ nguồn lực, chung tay phát triển”. Qua đó, đáp ứng được yêu cầu, lợi ích của nhân dân 2 nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới”.
Bí thư Tỉnh ủy HỒ QUỐC DŨNG
Trong đó, vấn đề chung được góp ý thẳng thắn, quan tâm hàng đầu là cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến thu hút, triển khai đầu tư của DN Hàn Quốc. Theo ông Shon Young Il, Chủ tịch KOCHAM, khi gặp mặt, phát biểu, lãnh đạo các tỉnh, thành thường khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Song, thực tế khi nhà đầu tư đi vào triển khai lại đụng phải “bức tường cản” từ thủ tục hành chính còn nhiều, gây khó, khiến các DN mất nhiều thời gian, công sức…
“Hy vọng các cấp lãnh đạo ở địa phương từ những tuyên bố mạnh mẽ sẽ triển khai cụ thể, nhất là trong cải cách hành chính liên quan đến thu hút, triển khai đầu tư, để tạo thêm niềm tin cho DN”, ông Shon Young Il nhấn mạnh.
Ông Kwon Ki-man, Tham tán thương mại, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh, cũng cho rằng các tỉnh, thành cần “hiện thực hóa” cam kết. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành đều mong muốn có nhà đầu tư mới, nhưng cũng cần quan tâm hơn đến việc tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư cũ là các DN đã hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương, bởi họ đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn trước đó. Như vậy, sẽ tránh tình trạng “có mới nới cũ”, tạo thêm sự tin cậy về môi trường đầu tư bền vững ở địa phương.
Ông Kim Woon-Tae, Tổng Giám đốc KOTRA Đà Nẵng bày tỏ sự quan tâm đến thực tế ở khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên chủ yếu có các DN Hàn Quốc đã đầu tư và mở rộng hoạt động từ khá lâu, gần đây chưa có nhiều DN mới, một phần quan trọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện, nhiều DN Hàn Quốc muốn đầu tư ở Việt Nam nói chung và khu vực này nói riêng, KOTRA sẽ kết nối và mong các tỉnh, thành có sự quan tâm phối hợp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, nhất là về thủ tục hành chính.
Ông Kim Woon-Tae, Tổng Giám đốc KOTRA tại Đà Nẵng, trao đổi với các đại biểu. Ảnh: H.PHÚC
Lãnh đạo các tổ chức Hàn Quốc cũng có nhiều phân tích, góp ý thiết thực như: Khi thu hút được các tập đoàn lớn vào đầu tư thường kéo theo nhiều công ty vệ tinh, nên các tỉnh, thành cần có sự chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, lực lượng lao động… Hay qua thống kê, 70% DN Hàn Quốc đầu tư tại khu vực Nam Trung Bộ thuộc lĩnh vực công nghiệp chế tạo, có thể tiếp tục có DN đầu tư lĩnh vực này thời gian tới, nên các địa phương cần “đón đầu”, chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng để đáp ứng được nhu cầu nhà đầu tư, sớm đưa dự án đầu tư đi vào hoạt động và đạt hiệu quả.
NHÓM PV XDĐ-NC-BĐ