Niềm vui từ đập dâng Đức Phổ
Việc xây dựng lại đập dâng Ðức Phổ đã mang lại cho người dân hai xã Cát Minh (huyện Phù Cát) và Mỹ Cát (huyện Phù Mỹ) nhiều lợi ích để phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trước đây, hạn, mặn đã trở thành nỗi lo thường trực đối với cấp ủy, chính quyền và người dân hai địa phương trên. Riêng các vụ sản xuất Hè Thu, nhiều diện tích lúa không thể sản xuất hiệu quả do thiếu nước nghiêm trọng. Đồng thời, đây cũng là thời điểm thủy triều dâng cao, mang theo nước mặn vào nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp nằm 2 bên bờ sông Bến Đò khiến hàng chục hec ta lúa, rau màu bị thiệt hại và gây khó khăn cho việc cải tạo đất. Đó là chưa nói đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, bởi giếng khoan, giếng đào ở đây đều mất mạch nước ngầm, dẫn đến nhiễm phèn nặng khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Đập dâng Đức Phổ đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả trong việc “ngăn mặn, giữ ngọt”. Ảnh: H.P
Thế nhưng từ khi công trình đập dâng Đức Phổ đi vào hoạt động, nỗi ám ảnh này đã được giải thoát. Theo ông Châu Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Minh, đập Đức Phổ cũ qua hơn 20 năm đưa vào sử dụng đã xuống cấp nặng, nước mặn thường xuyên xâm nhập, nên khu vực này chỉ có thể làm được 1 vụ lúa/ năm.
“Đập mới được xây dựng kiên cố, vận hành xử lý bằng hệ thống điện có thể giữ và điều tiết nước phù hợp, ngăn mặn hiệu quả. Đặc biệt, các hộ dân có thể tận dụng nguồn nước ngọt từ công trình này pha lẫn với nước mặn để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Trên địa bàn xã, ước tính có khoảng 20 ha nuôi trồng thủy sản và hơn 80 ha đất sản xuất đang được hưởng lợi trực tiếp từ công trình đập dâng này”, ông Hùng nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (46 tuổi, người dân ở thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh) phấn khởi nói: “Bây giờ thì nông dân như tôi không còn lo lắng việc ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Chúng tôi rất yên tâm sản xuất nâng cao thu nhập trên chính mảnh đất của mình”.
Đặc biệt, từ khi đập dâng Đức Phổ được đưa vào sử dụng đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xã Cát Minh. Những căn nhà mới khang trang nằm san sát trên tuyến kè kiên cố dọc hai bên đập đã trở thành điểm nhấn ở khu vực này.
Ông Nguyễn Văn Thanh (38 tuổi, thôn Đức Phổ 2) vui vẻ nói: “Buổi tối ở đập được thắp điện sáng trưng, hàng quán nối tiếp nhau mở ra tạo không khí nhộn nhịp, sôi động cả một vùng quê. Hơn nữa, khung cảnh ở đây rất đẹp, người dân thường ra đi dạo, tập thể dục, tận hưởng không khí trong lành khiến ai cũng rất thoải mái”.
Trong khi đó, ông Trần Bá Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Cát, cho biết, ngoài hơn 20 ha đất sản xuất nông nghiệp được hưởng lợi, sự hiện diện của đập Đức Phổ trên sông Bến Đò đã “phá vỡ” địa thế “ốc đảo” của xã khi bị bao vây bởi các con sông La Tinh, sông Cạn, Bến Đò.
“Việc kết hợp giao thông trên mặt đập đã giúp kết nối từ tuyến ĐT 633 và ĐT 639 và phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất, lưu thông hàng hóa giữa 2 huyện Phù Mỹ và Phù Cát được thuận lợi. Ngoài ra, công trình còn hỗ trợ hiệu quả cho công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa, bão”, ông Bảy chia sẻ.
Theo ông Hồ Công Chánh- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Cát Minh (đơn vị quản lý, vận hành đập dâng Đức Phổ), đập đưa vào hoạt động với mục đích ngăn mặn, giữ ngọt và dâng cao mực nước tưới ổn định cho 150 ha đất sản xuất nông nghiệp; cấp nước nuôi trồng thủy sản cho 106 ha; chống xâm nhập mặn lên phía thượng lưu, bổ sung nguồn nước ngọt sinh hoạt cho khoảng 1.200 hộ dân của xã Cát Minh và Mỹ Cát. Đồng thời, tăng cường khả năng tiêu thoát lũ chính vụ tần suất 10%, giảm ngập lụt cho phía thượng lưu, bảo vệ các khu dân cư hiện hữu ven đập và hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực.
“Chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch vận hành đập nhằm nâng cao hiệu quả tưới tiêu, ngăn mặn, phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, bảo vệ an toàn cho sản xuất và đời sống toàn vùng dự án”, ông Chánh bày tỏ.
HỒNG PHÚC