Nỗ lực vượt khó, chia sẻ cơ hội
Từng thuộc diện hộ nghèo, chị Đặng Mai Liễu (SN 1990, ở phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn) phải làm đủ mọi việc để gánh vác gia đình. Thế nhưng, không đầu hàng số phận, chị Liễu từng bước khắc phục khó khăn, thoát nghèo và dần ổn định kinh tế.
Chị Liễu hướng dẫn kỹ thuật cho công nhân tại xưởng. Ảnh: D.N
Chị kể, khi chưa thoát nghèo, mọi chi phí sinh hoạt trong nhà đều phải cân đo đong đếm thật cẩn thận. Vì bố của chị đã lớn tuổi, không còn khả năng lao động nên kinh tế gia đình chủ yếu do chị Liễu gánh vác. Không chỉ chăm sóc cha già, chị còn phải lo cho gia đình nhỏ của riêng mình. “Tôi luôn nghĩ, không những phải lo đủ cái ăn, cái mặc cho gia đình mà còn phải đảm bảo cho người thân có được cuộc sống ấm êm, hạnh phúc, không lo lắng về tương lai”, chị tâm sự.
Năm 2013, chị Liễu học may và trở thành công nhân nghề may mặc. Trong thời gian theo nghề, chị nỗ lực học thêm nhiều kỹ năng thực tế, tìm hiểu thị trường, nguồn hàng, đồng thời dành dụm một khoản tiền. Đến năm 2020, để thuận tiện cho việc chăm sóc gia đình, chị mạnh dạn rời công ty để khởi nghiệp. Từ khoản tiền dành dụm được cộng với nguồn vay từ Ngân hàng CSXH, chị Liễu đầu tư máy may và bắt đầu kinh doanh độc lập tại nhà.
Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tình hình kinh doanh của chị khá suôn sẻ. Mặt hàng do cơ sở chị làm ra đáp ứng được nhu cầu của thị trường, lượng đặt hàng tăng dần. Vì thế, chị Liễu thuê thêm công nhân, ưu tiên những chị em có hoàn cảnh khó khăn làm việc tại xưởng.
Thế nhưng, khi Covid-19 hoành hành, tình hình càng khó khăn. Chị tự cân đối thu - chi trong gia đình và hướng dẫn kỹ thuật thật chi tiết cho công nhân để chị em nhận nguyên liệu về làm tại nhà. Điều này giúp hạn chế khả năng lây nhiễm bệnh mà vẫn đảm bảo thu nhập cho công nhân. Chị cho biết: “Thay vì cắt giảm nhân lực, tôi cố gắng tìm ra biện pháp để không chị em nào bị mất việc trong mùa dịch, bởi tôi thấu hiểu cảm giác bế tắc, lo lắng vì không tự kiếm ra đồng tiền”.
Nhờ kiên trì với lựa chọn của mình, hiện tại, gia đình chị Liễu đã thoát nghèo, việc kinh doanh của chị cũng ngày càng khởi sắc, tạo việc làm thường xuyên cho 8 - 10 phụ nữ trong vùng. Chị Trần Thị Hà, công nhân may tại xưởng của chị Liễu, chia sẻ: “Ngày thường, chị Liễu luôn tạo điều kiện để chúng tôi vừa làm việc, vừa linh động giờ giấc chăm lo gia đình. Vào mùa dịch, tôi lo rằng sẽ thất nghiệp nhưng chị đã động viên và hỗ trợ chị em công nhân hết mình. Bởi vậy, với tôi, chị vừa là người chủ có tâm, vừa là gương sáng cho phụ nữ chúng tôi vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng”.
DIỆU NGỌC