Phòng ngừa sốt vi rút khi thời tiết thay đổi
Sốt vi rút thường xảy ra vào mùa hè, diễn biến nhẹ, có thể tự khỏi sau 2 - 7 ngày. Tuy nhiên cũng có trường hợp sốt cao, diễn biến nặng sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân chính của sốt vi rút là bị lây nhiễm vi rút qua các đường khác nhau. Trong đó chủ yếu qua đường hô hấp, vì vi rút có trong nước bọt và dịch khi hắt hơi của người bệnh. Khi hít vào, vi rút sẽ theo đó xâm nhập vào cơ thể. Vi rút có trong thức ăn và nước uống có thể xâm nhập vào cơ thể khi chúng ta sử dụng thức ăn và nước uống không đảm bảo vệ sinh. Vi rút còn do muỗi truyền bệnh - đây là tác nhân phổ biến nhất gây sốt vi rút, đặc biệt là sốt xuất huyết, Zika.
Khi bị sốt vi rút, người bệnh cần kiểm tra nhiệt độ thường xuyên, nếu sốt cao cần sử dụng thuốc hạ sốt.
Hầu hết các trường hợp sốt vi rút đều có triệu chứng giống cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, dấu hiệu quan trọng và nổi bật nhất của sốt vi rút là sốt rất cao, có thể trên 39°C, tùy chủng vi rút. Các cơn sốt có thể liên tục tăng và giảm trong thời gian nhiễm bệnh, có thể sốt lên đến 40 - 410C.
Ngoài sốt cao thì người bệnh còn bị đau đầu, có các biểu hiện viêm đường hô hấp như họng bị sưng tấy, đỏ, rát, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, sổ mũi, đỏ mắt, chảy nước mắt, da nổi mẩn, đau nhức mình, rối loạn tiêu hóa... Ngoài ra, người bệnh còn có thể buồn nôn, nôn, xuất hiện hạch ở vùng đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau có thể nhìn hoặc sờ thấy...
Khi bị sốt vi rút người bệnh cần kiểm tra nhiệt độ thường xuyên, nếu sốt cao thì sử dụng thuốc hạ sốt, bù nước, uống nhiều nước lọc và bù điện giải bằng cách uống Oresol (một gói Oresol pha một lít nước uống dần trong ngày), nước dừa, nước cam.
Người bệnh sốt vi rút cần ở trong phòng ấm, không nên mặc quần áo quá dày, ở trong phòng quá kín, có thể sử dụng quạt gió chế độ thấp để giữ không khí lưu thông, nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.
Trong khi sốt, người bệnh cần ăn uống đủ chất, đồ ăn dễ tiêu như: Cháo, phở, bún, tăng cường bổ sung vitamin C, ăn thức ăn lỏng đủ dinh dưỡng để nhanh hồi phục sức khỏe. Đa số trường hợp, sốt vi rút thường không đáng ngại, nhưng nếu sốt cao 39°C hoặc cao hơn hoặc sốt không hạ sau khi uống thuốc, sốt kèm thêm các triệu chứng nghiêm trọng khác thì cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)