Tán sỏi mật qua da bằng laser: Tin vui cho các bệnh nhân sỏi mật
Với sự thị phạm, chuyển giao kỹ thuật của các chuyên gia Bệnh viện ÐH Y Hà Nội, các bác sĩ của Khoa Ngoại tổng hợp (BVÐK tỉnh) bắt đầu làm quen với kỹ thuật tán sỏi mật qua da bằng laser điều trị bệnh nhân sỏi mật. Kỹ thuật này hứa hẹn sẽ được triển khai rộng rãi, thay thế cho phương pháp mổ mở vẫn đang áp dụng.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh sỏi mật là bệnh phổ biến - với khoảng 10% dân số mắc bệnh. Phương pháp điều trị sỏi mật hiện nay là mổ mở. Với phương pháp này, vết mổ càng rộng thì nguy cơ nhiễm trùng cao, gây đau đớn và tỷ lệ rủi ro về chảy máu cao, phục hồi vết thương lâu. Kỹ thuật tán sỏi mật qua da bằng laser đã loại trừ rất tốt các nguy cơ, rủi ro trên.
Ít đau, phục hồi nhanh
Ưu điểm của tán sỏi mật qua da bằng laser là tránh được mổ mở. Phương pháp tán sỏi mật qua da chỉ sử dụng đường hầm, to bằng chiếc đũa, đường kính độ 5 mm, sau đó đưa camera vào có thể, đi trực tiếp vào đường mật chứa viên sỏi; với kênh dẫn trong lòng camera, kỹ thuật viên điều khiển đưa laser vào đó bắn vỡ viên sỏi, đồng thời đưa các mảnh vỡ của viên sỏi ra ngoài cũng chính bằng đường hầm ấy.
TS.BS Nguyễn Thái Bình thị phạm về tán sỏi mật qua da tại BVĐK tỉnh Bình Định. Ảnh: T. KHUY
Ở phương pháp này, các bác sĩ có đủ phương tiện, hình ảnh để có thể thăm dò được toàn bộ đường mật, lấy được sỏi ở các vị trí khó, ví dụ như sỏi nằm sâu trong gan. Một ưu điểm nữa của tán sỏi qua da bằng laser so với tán sỏi bằng xung điện thủy lực trước đây từng dùng là năng lượng laser có công suất cao hơn nhiều, đủ lớn để làm vỡ viên sỏi nhanh nhất, rút ngắn thời gian thực hiện, lấy được nhiều sỏi hơn và lấy triệt để.
“Sỏi mật không có biểu hiện gì đặc biệt, nếu có triệu chứng chỉ thoáng qua khó nhận biết. Do đó siêu âm bụng khám sức khỏe định kỳ hằng năm là điều nên làm. Đối với các bệnh nhân đã có tiền sử sỏi mật nên siêu âm định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sỏi tái phát, tránh trường hợp gặp biến chứng nguy hiểm”.
TS. BS Nguyễn Thái Bình
TS.BS Nguyễn Thái Bình, Phó trưởng đơn vị Đột quỵ (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội), người trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp (BVĐK tỉnh), cho biết: Nếu dùng xung điện thủy lực, những trường hợp nhiều sỏi sẽ rất mất thời gian, nhiều ca có thể lên đến 6 - 7 giờ mà vẫn không lấy sạch các mảnh vỡ. Nhưng tán sỏi mật qua da bằng laser sẽ rút ngắn thời gian lại và khả năng lấy sạch cũng cao hơn nhiều. Đây là một kỹ thuật an toàn, ít biến chứng (nếu có cũng chỉ là các biến chứng nhẹ), đã được nghiên cứu và áp dụng tương đối rộng rãi trên thế giới. Vì bệnh nhân có thể tránh được một cuộc phẫu thuật và gây mê, do đó thời gian nằm viện sẽ ngắn hơn, hạn chế được các biến chứng hậu phẫu đồng thời giảm được chi phí cho bệnh nhân.
Chuẩn bị kỹ để triển khai rộng rãi
Với kỹ thuật tán sỏi mật qua da bằng laser, khả năng sạch sỏi khá cao, lên tới 90% đối với sỏi trong gan, riêng sỏi ống mật chủ và sỏi túi mật có thể sạch hoàn toàn. Phương pháp này vẫn có thể được chỉ định với các trường hợp thất bại sau phẫu thuật hoặc nội soi lấy sỏi; đồng thời có thể tiến hành can thiệp đối với các bệnh nhân già yếu hoặc các bệnh nhân đã có tiền sử phẫu thuật đường mật nhiều lần gây dính, khó khăn khi mổ lại hoặc không can thiệp nội soi tiêu hóa được…
Tính từ khu vực Nam Trung bộ trở vào, BVĐK tỉnh Bình Định là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên được chuyển giao kỹ thuật này. Bác sĩ CKII Phạm Văn Phú, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp (BVĐK tỉnh), chia sẻ: Chúng tôi đã cử một ê kíp ra học tập tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội. Còn tại Bệnh viện, chúng tôi chuẩn bị máy móc phương tiện để TS.BS Nguyễn Thái Bình vào chuyển giao nhiều đợt theo cách vừa chuyển giao công nghệ vừa cầm tay chỉ việc. TS Bình sẽ chuyển giao cho đến khi nào chúng tôi làm chủ kỹ thuật này.
“Tán sỏi mật qua da là phương pháp xâm lấn tối thiểu nhưng đem đến hiệu quả tối đa. Đây là kỹ thuật rất mới, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội đã chuyển giao khá nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Khi ký kết hợp tác với Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, thấy kỹ thuật này mới nên chúng tôi đã đăng ký học. Hy vọng sắp tới số lượng mổ sỏi mật ở BVĐK tỉnh sẽ giảm dần như các tỉnh phía Bắc là dưới 10%. Và hy vọng thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp cận được và sẽ mở rộng kỹ thuật này”, bác sĩ Phạm Văn Phú chia sẻ thêm.
THẢO KHUY