Khó thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách cho đơn vị giáo dục
(BĐ) - Báo cáo Bộ Tài chính về tình hình thực hiện Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21.6.2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), UBND tỉnh thống nhất với kiến nghị của Bộ Tài chính về việc cho phép các ĐVSNCL chưa thực hiện ngay việc chi trả tiền lương và thu nhập cho người lao động theo cơ chế tiền lương mới quy định tại Nghị quyết 27-NQ/TW mà tiếp tục thực hiện cơ chế chi trả tiền lương và thu nhập cho người lao động như trong năm 2021 đến khi chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành để việc thực hiện trong thực tế không bị xáo trộn và có đủ cơ sở pháp lý.
Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ, các cơ quan Trung ương soát xét các quy định về công thức tính mức tự đảm bảo chi thường xuyên và mức tự đảm bảo chi đầu tư; quy định rõ hơn về thẩm quyền ra quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công; xem xét bổ sung đơn vị hành chính được cấp có thẩm quyền giao biên chế sự nghiệp vào đối tượng áp dụng của Nghị định 60/2021/NĐ-CP.
Đáng chú ý là những vướng mắc trong cơ chế tự chủ của ĐVSNCL trong lĩnh vực y tế, giáo dục, sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác... Trong đó, quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP thì sau thời kỳ ổn định 5 năm phải thực hiện chuyển đổi, nâng cao mức độ tự chủ của các ĐVSNCL theo lộ trình, hằng năm thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước... Tuy nhiên, đối với lĩnh vực giáo dục, Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định trẻ mầm non 5 tuổi được miễn học phí từ năm học 2024 - 2025 và học sinh THCS được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026, như vậy, hằng năm, việc thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước đối với các đơn vị thuộc lĩnh vực giáo dục trên địa bàn rất khó thực hiện. UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn cụ thể hơn việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị thuộc lĩnh vực giáo dục đảm bảo thống nhất thực hiện 2 nghị định.
MAI HOÀNG