Tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018: Thiếu giáo viên ở môn học mới
Năm học 2022 - 2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục thực hiện ở cấp tiểu học, THCS và lần đầu tiên triển khai ở cấp THPT. Một trong những vấn đề khiến lãnh đạo nhiều trường lo lắng là việc sắp xếp đội ngũ giáo viên giảng dạy, nhất là cho các môn học mới.
Hợp đồng giáo viên, liên kết các trường
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cho năm học tới, cùng với 7 môn bắt buộc, học sinh lớp 10 được chọn 5 môn học của 3 nhóm môn (ở mỗi nhóm, học sinh được chọn ít nhất 1 môn) gồm: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế & pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Ngoài ra, học sinh còn có một số môn học có các chuyên đề học tập.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Vân Canh thuận lợi khi đã có 1 biên chế giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Ảnh: M.H
Qua khảo sát sơ bộ của chúng tôi, điều bất ngờ là nhiều trường THPT “trắng” giáo viên ở các bộ môn Nghệ thuật (gồm Âm nhạc và Mỹ thuật). Sở GD&ĐT cho hay, môn Nghệ thuật lần đầu xuất hiện trong chương trình lớp 10 và nằm trong nhóm môn mà học sinh được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp. Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, với môn Nghệ thuật ở cấp THPT, giải pháp trước mắt cho việc thiếu giáo viên là hợp đồng sử dụng giáo viên cấp THCS.
Ông Nguyễn Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 An Nhơn (TX An Nhơn), cho hay: Nếu ở chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, 2 môn học Âm nhạc và Mỹ thuật chỉ dạy ở bậc tiểu học và THCS thì nay với chương trình GDPT 2018, bậc THPT cũng có các môn học này nên chúng tôi bị thiếu giáo viên. Trong trường hợp có học sinh chọn các môn học này, trường sẽ tính đến phương án hợp đồng giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật ở trường THCS.
Phần lớn các trường THPT đều rơi vào cảnh “trắng” giáo viên ở các bộ môn Âm Nhạc, Mỹ thuật; đồng thời khả năng thiếu cục bộ ở những môn học tự chọn nếu học sinh đăng ký quá nhiều… Ông Đỗ Kim Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (TP Quy Nhơn), chia sẻ: Dù trường xây dựng kế hoạch, dự trù bố trí từ 2 giáo viên trở lên cho mỗi môn học ở lớp 10 sắp tới, tuy nhiên phải chờ đến khi hoàn thành tuyển sinh vào 10, học sinh đăng ký môn học lựa chọn thì mới biết cụ thể được. Khi đó, chắc chắn sẽ có những môn nhiều học sinh lựa chọn, dẫn đến thiếu cục bộ giáo viên, các trường trên cùng địa bàn cũng phải tính đến phương án liên kết để trao đổi giáo viên đảm bảo dạy học.
Nhiều trường THPT cho biết sẽ xây dựng nhiều phương án để trong trường hợp học sinh đăng ký các môn tự chọn không tương thích với phương án, kế hoạch mà nhà trường xây dựng thì có phương án thay thế. Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Vân Canh (huyện Vân Canh) vốn có lợi thế lực lượng giáo viên bộ môn, song nhà trường vẫn xây dựng phương án dự phòng. “Chúng tôi thuận lợi hơn đối với môn tự chọn Âm nhạc, Mỹ thuật vì đã có hẳn 1 giáo viên biên chế trình độ đại học. Năm học tới, nhà trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh 234 học sinh lớp 10. Nắm tình hình những năm qua cho thấy 3/4 số học sinh chọn tổ hợp môn Khoa học xã hội, đây là một trong những định hướng cho trường trong xây dựng tổ hợp môn cho lớp 10 sắp tới”, Phó Hiệu trưởng Võ Quốc Hồng nói.
Khẩn trương tuyển bổ sung giáo viên
Cũng trong năm học tới, cùng với lớp 1, lớp 2 thì bậc tiểu học tiếp tục triển khai chương trình GDPT 2018 cho lớp 3, bậc THCS tiếp tục thực hiện ở lớp 7. Thay đổi đáng chú ý ở lớp 3, môn tiếng Anh và Tin học từ môn học tự chọn trở thành bắt buộc. Các huyện, thị xã, thành phố đã và đang khẩn trương triển khai tuyển dụng giáo viên bổ sung đảm bảo dạy và học.
Huyện Vân Canh hiện có 7 trường tiểu học với 167 giáo viên, 5 trường THCS có 95 giáo viên. Với việc triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2008 - 2020, địa phương này thuận lợi về đội ngũ giáo viên tiếng Anh và Tin học. Ông Nguyễn Ngọc Trình, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện, cho biết trước khi bắt đầu năm học mới 2022 - 2023, huyện sẽ hoàn thành tuyển 49 biên chế, trong đó có 33 giáo viên để bố trí vào những vị trí còn thiếu.
Ông Trần Văn Tho, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Canh Liên (Vân Canh), cho hay dù đã triển khai dạy tiếng Anh tự chọn từ nhiều năm nay song việc tuyển biên chế giáo viên cho bộ môn này gặp khó khăn. Canh Liên là một trong 2 trường tiểu học của huyện cần bổ sung biến chế giáo viên tiếng Anh để triển khai chương trình dạy học mới ở lớp 3.
Tại Hoài Nhơn, bà Nguyễn Thị Hoài Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã, cho biết: Để đảm bảo về đội ngũ giáo viên cho năm học tới, đặc biệt chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT mới đối với lớp 3, lớp 7, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND thị xã tổ chức tuyển 269 giáo viên và nhân viên, về cơ bản đáp ứng tổ chức dạy và học. Trong đó, chúng tôi đã bổ sung 12 giáo viên tiếng Anh, 5 giáo viên Tin học “lấp đầy” cho các trường tiểu học.
Cuối tuần qua, Sở GD&ĐT triển khai hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022 - 2023. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Điển cho hay, mỗi trường THPT xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn ở lớp 10 gồm 5 môn học được chọn từ 3 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình, vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Đối với các môn học có nội dung lựa chọn (Công nghệ, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật), nhà trường xây dựng các phương án phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học để học sinh lựa chọn. Khuyến khích các trường triển khai dạy học các môn tự chọn khi có điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
MAI HOÀNG