Kinh doanh lành mạnh, ứng xử văn minh mới bền vững
Từ dịp Tết Nhâm Dần đến nay, cùng với sự hồi phục của du lịch khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các vụ việc liên quan đến giá cả dịch vụ ăn, uống tăng cao bất hợp lý nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Gần đây nhất, đầu tháng 5.2022, có đoàn khách chia sẻ trên facebook, sau đó được phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng về việc giá dịch vụ ăn uống tăng cao tại Farmstay Nẫu Ecovalley của HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn (huyện An Lão), nhất là giá các loại bia, cà phê. Khi đại diện Farmstay Nẫu Ecovalley giải thích “chữa cháy” là do chi phí vận chuyển, phục vụ ở vùng cao…, nhiều người không đồng tình, cho rằng “đã chặt chém còn bao biện”, nhưng cũng có ý kiến cho rằng “giá vậy là được”, “đã đi ăn chơi mà còn sợ tốn kém”…
Ông Đoàn Quang Khanh (bên trái), chủ quán cà phê Thân Hữu (đường Hàm Nghi, TP Quy Nhơn), luôn tâm niệm phải phục vụ khách một cách tốt nhất. Ảnh: H.T
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện An Lão và Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra, kết luận HTX có báo giá trước cho đoàn khách, tuy nhiên giá một số thức uống chưa ghi rõ ràng, cụ thể trong menu; có niêm yết giá nhưng chưa đầy đủ các mặt hàng; kinh doanh dịch vụ ăn uống nhưng chưa đăng ký ngành nghề kinh doanh…
Vụ việc ở Farmstay Nẫu Ecovalley không phải là cá biệt, khi tình trạng lập lờ về giá cả vẫn đang diễn ra ở nơi này nơi kia, khiến khách bức xúc. Ông Đoàn Quang Khanh (72 tuổi, chủ quán cà phê Thân Hữu, đường Hàm Nghi, TP Quy Nhơn), nhìn nhận: “Qua sự việc Farmstay Nẫu Ecovalley, tôi cho rằng vấn đề chính ở đây là việc chưa báo giá rõ ràng. Tôi từng uống ly cà phê giá 130 nghìn đồng được niêm yết cụ thể ở Đà Lạt, thấy bình thường chứ không có gì là “chặt chém””.
Theo ông Trần Đức Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, việc xác định rõ thế nào “chặt chém” còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Theo quy định, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không phải kê khai giá để Nhà nước quản lý, mà tự định giá các món ăn, uống nhưng phải niêm yết giá rõ ràng (kể cả khi tính phụ thu trong dịp lễ, tết) để khách thấy, biết rõ. Cơ sở có thể đưa ra mức giá bán cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của thị trường và tùy khách lựa chọn dùng hay không.
“Như vậy, việc xác định “chặt chém” hay không còn căn cứ việc bán cao hơn giá niêm yết. Nếu không niêm yết giá, niêm yết không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng hoặc bán hàng, thu tiền phí dịch vụ cao hơn giá niêm yết thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có các hình thức xử phạt”, ông Tiến phân tích.
Bên cạnh việc tăng cường quản lý, xử phạt nghiêm, vấn đề quan trọng hàng đầu chính là nhận thức, ứng xử với khách từ các DN, cơ sở kinh doanh ăn, uống để hoạt động, phát triển bền vững. Ông Đoàn Quang Khanh chia sẻ gia đình đã 35 năm bán cà phê, được nhiều khách ủng hộ lâu năm, bởi ông tâm niệm: Trong phục vụ, trước hết phải phục vụ chân tình, nếu mình có thiếu sót thì họ cũng tha lỗi cho mình. Đồng thời, phải chu đáo, tươm tất, từ cách đặt ly xuống bàn; thái độ phải khiêm tốn; vệ sinh an toàn thực phẩm phải đảm bảo.
Mặt khác, các đơn vị quản lý cùng các tổ chức liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền về ứng xử văn minh khi phục vụ khách, nhất là đối với các DN, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống thu hút đông du khách. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Nguyễn Hoàng Vũ cho biết: Tại Đại hội Hiệp hội Du lịch tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2026 vừa được tổ chức ngày 11.5, Ban Chấp hành Hiệp hội đã lưu ý vấn đề này đối với các hội viên.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Sở Du lịch tăng cường công tác phổ biến và vận động các DN kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh chấp hành các quy định có liên quan trong lĩnh vực du lịch. Tích cực tham gia công tác tuyên truyền Quy tắc ứng xử văn minh du lịch (do Bộ VH-TT&DL ban hành) đối với du khách, góp phần xây dựng Bình Định thành điểm du lịch “3 tốt” và “3 không”, trong đó có việc “không chặt chém””, ông Vũ cho biết thêm.
HOÀI THU