Nữ Đô đốc Bùi Thị Xuân qua Mộc bản Triều Nguyễn
Bùi Thị Xuân là một nữ tướng thời Tây Sơn. Bà sinh ra và lớn lên trên đất võ nổi tiếng Bình Định. Cho đến nay, mặc dù tài liệu về Bùi Thị Xuân còn lại không nhiều, nhưng từ những trang thông tin Mộc bản ít ỏi được biên chép lại bởi triều Nguyễn - “kẻ thù không đội trời chung” với bà - con người Bùi Thị Xuân vẫn hiện lên thật dũng cảm, hiên ngang, bất khuất, xứng đáng là hào kiệt trong giới nữ lưu.
Không chỉ được biết đến là người con gái có nhan sắc, khéo tay, hay chữ, tương truyền, khi theo học võ, Bùi Thị Xuân cũng nhanh chóng thành thạo, đặc biệt là môn song kiếm. Trần Quang Diệu vì mến tiếng của Bùi Thị Xuân mới tìm đến làm quen. Sau khi kết duyên với nhau, vợ chồng kính trọng nhau như khách, đương thời đều nức nở khen là chuyện tình đẹp. Vợ chồng bà theo phò vua Quang Trung đánh Đông dẹp Bắc, ở chiến dịch nào cũng giữ vai trò tướng lĩnh quan trọng, lập được nhiều công lớn, bản thân bà được phong đến chức đô đốc, và đến nay vẫn là nữ đô đốc duy nhất trong lịch sử.
Đền thờ Bùi Thị Xuân ở huyện Tây Sơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Năm Tân Mão (1771), khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra.Vợ chồng Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân gia nhập nghĩa quân Tây Sơn. Năm 1789, Bùi Thị Xuân tham gia đánh quân xâm lược nhà Thanh ở trận Ngọc Hồi trong đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu và được vua Quang Trung tin tưởng giao cho những nhiệm vụ quan trọng.
Giữa lúc nhà Tây Sơn đang từng bước ổn định tình hình trong nước, thì ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung đột ngột băng hà. Kể từ đó, vương triều dần suy yếu do vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản con vua Quang Trung) còn quá nhỏ. Trong khi đội quân của Nguyễn Ánh nhờ sự giúp đỡ từ phía Tây dương lại mạnh lên trông thấy.
Trong các cuộc giao tranh lớn nhỏ với quân Nguyễn Ánh, Bùi Thị Xuân đều hăng hái cầm quân ra trận. Năm Tân Dậu (1801), triều Tây Sơn sụp đổ, Phú Xuân rơi vào tay Nguyễn Ánh, bà theo vua Cảnh Thịnh chạy ra Nghệ An, chỉ huy 5.000 quân chặn đánh kịch liệt quân Nguyễn ở lũy Trấn Ninh (Quảng Bình). Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 15, mặt khắc 28 của triều Nguyễn ghi lại trận đánh này như sau: “Giặc Tây Sơn Nguyễn Quang Toản cử đại binh thủy bộ 30.000 người vào cướp. Quang Toản đã trốn ra Bắc Thành, lại cùng em là Quang Thùy cất quân vào Nam để làm thanh ứng cho bọn Diệu và Dũng ở Quy Nhơn. Vợ Diệu là Bùi Thị Xuân cũng đem đồ đảng 5.000 người đi theo. Quang Toản đến dinh Hà Trung, trước sai Tư lệ giặc là Đinh Công Tuyết đem 3.000 quân xâm phạm bờ cõi. Đặng Trần Thường đi xem địa thế Hoành Sơn, chợt bắt gặp, quân của Thường chỉ có hơn 500 người, hai bên giao chiến từ giờ Dần đến giờ Mùi, quân ta nhiều người chết và bị thương. Hai vệ Đằng uy Nghị uy chạy sang hàng giặc hơn 200 người...”.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 15, mặt khắc 28 ghi về việc Bùi Thị Xuân đem 5.000 người đi đánh trận. Nguồn: TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA IV
Tháng Giêng năm Nhâm Tuất (1802), một thế trận giằng co quyết liệt giữa quân đội Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh diễn ra tại cửa biển Nhật Lệ, Quảng Bình. Trước tình hình lép vế hơn so với giặc, Bùi Thị Xuân vẫn cưỡi voi, đem quân liều chết. Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 8, mặt khắc 11, 12 cũng ghi lại rằng: “Giặc (chỉ quân Tây Sơn) đến sát gần thành Trấn Ninh, vua sai quân túc trực ra cửa, lên thành bắn súng, đánh được giặc kể hàng nghìn. Giặc đem hết quân đến sát núi Đâu Mâu, đông như kiến mà lên, quân ta từ trên núi ném đá xuống, giặc chết rất nhiều. Bùi Thị Xuân cưỡi voi xua quân cố chết đánh từ sáng đến trưa, chưa chịu lui...”.
Trước quân ít thế nguy, Bùi Thị Xuân đành phải chịu sa vào tay giặc, chồng bà là Trần Quang Diệu không kịp hồi quân, sau cũng bị bắt. Nguyễn Ánh đưa cả hai vợ chồng và hai con bà về Phú Xuân hành hình để trả thù. Nguyễn Ánh cho giải hai vợ chồng đến trước mặt kể tội “phản nghịch” rồi bắt lạy. Hai vợ chồng không lạy. Nguyễn Ánh sai lính lấy hèo đánh vào khuỷu chân, níu tóc giập đầu xuống đất bắt lạy. Hai vợ chồng nhất định không chịu. Ánh uất quá cho voi dữ ra giày xéo quật chết cả hai con cho bà trông thấy, để ra uy. Lại lôi Trần Quang Diệu ra xẻo từng miếng thịt. Tình cảnh cực kỳ thảm thương, tàn bạo hết mức. Cho đến khi bị Ánh giết, trước sau bà vẫn ung dung, mặt không hề biến sắc. Bà mất đi, xa gần nghe chuyện trong lòng đều thương xót, ai cũng hết lời ngợi khen.
***
Lần theo lịch sử nước ta sẽ thấy có điểm rất đặc biệt, người đứng lên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đầu tiên đánh đuổi giặc Hán kẻ thù ngoại xâm phương Bắc đô hộ là một người phụ nữ- đó chính là hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị - năm 40, kể từ đó, cả trong thời bình cũng như thời chiến, hễ dân tộc cần là lập tức xuất hiện những bậc nữ lưu kiệt xuất. Và trong chừng mực nào đó, có thể nói, dù là một nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo nhưng nước ta là một nước sớm khá tôn trọng phụ nữ, nữ quyền. Chuyện nữ đô đốc Bùi Thị Xuân là một điển hình.
CAO THỊ QUANG