Tình trạng phá rừng để lấy đất canh tác ở Vĩnh Thạnh:
Nhiều khu rừng đã bị xâm hại
Thời gian gần đây, nhiều khu rừng ở xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Thạnh) giáp ranh với thị xã An Khê (Gia Lai) do Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (sau đây gọi là Công ty Sông Kôn) quản lý, bị xâm hại nghiêm trọng, không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương…
Phá rừng để lấy đất canh tác
Theo ông Võ Hồng Nguyên, Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng (QL-BVR) Công ty Sông Kôn, 3 tiểu khu 226, 217 và 210B thuộc xã Vĩnh Thuận - khu vực rừng giáp ranh với các xã: Cửu An, Xuân An, Tú An (thị xã An Khê), thường xuyên bị xâm hại để canh tác các loại cây trồng cạn vì nằm gần với khu dân cư. “Tháng 5.2013, khi khai thác xong 60 ha rừng trồng tại 3 tiểu khu trên, Công ty đã tiến hành đốt dọn thực bì để chuẩn bị trồng lại rừng thì bị người dân đến cản trở, phá rừng trồng và phun thuốc khai hoang để hủy hoại cây trồng. Họ không những chặt phá rừng trồng, mà còn chiếm luôn đất lâm nghiệp để trồng mì, bắp, đậu. Đến nay, tình trạng này vẫn còn tiếp diễn…”, ông Nguyên cho biết.
Khu rừng thuộc tiểu khu 210B (khu vực rừng giáp ranh giữa xã Vĩnh Thuận và xã Tú An) do Công ty Sông Kôn quản lý bị chặt phá, lấn chiếm đất để trồng mì.
Qua thống kê của Công ty Sông Kôn, chỉ tính riêng ở thị xã An Khê, từ năm 2008-2013, đã có 125 hộ dân ở các xã Xuân An, Cửu An, Tú An có hành vi phá rừng và chiếm gần 162 ha đất lâm nghiệp thuộc lâm phận Công ty quản lý, gây thiệt hại 3 tỉ đồng. Riêng 5 tháng đầu năm 2014, qua kiểm tra, Công ty đã phát hiện thêm 31 đối tượng ở xã Tú An có hành vi chặt, nhổ phá, phun thuốc hủy hoại cây trồng, để chiếm đất tại tiểu khu 210B (khu vực rừng giáp ranh giữa xã Vĩnh Thuận và xã Tú An), với diện tích vi phạm gần 16,2 ha.
Lo ngại hơn là hiện nay, một số hộ dân ở xã Tú An vẫn lén lút lấn chiếm đất lâm nghiệp và đốt dọn thực bì nên nguy cơ xảy ra cháy rừng trồng và rừng tự nhiên do Công ty Sông Kôn quản lý là điều khó tránh khỏi. Ngày 9.6, có mặt tại tiểu khu 210B, chúng tôi thấy có hơn 5 ha rừng trồng bạch đàn hơn 1 năm tuổi bị người dân chặt phá để trồng mì.
Chưa hết, các đối tượng thường xuyên xâm hại rừng còn dùng hung khí hành hung cán bộ, nhân viên QL-BVR của Công ty liên tục. Điển hình vào ngày 26.5.2013, có 8 đối tượng ở các xã Xuân An, Tú An dùng hung khí kéo vào Trạm QL-BVR Nước Poon - Công ty Sông Kôn (thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thạnh) để đập phá, đốt tài sản và đánh bị thương 3 cán bộ đang làm nhiệm vụ.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 12 và 13.4.2014, TAND huyện Vĩnh Thạnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội: “Hủy hoại tài sản” và tuyên phạt 8 bị cáo là Trần Thị Lệ Hồng (SN 1971, thôn An Thạch, xã Xuân An, thị xã An Khê) 2 năm 6 tháng tù; Trần Đình Hưng (SN 1979, thôn An Thạch, xã Xuân An) 2 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4 năm; Trần Thị Thanh Giang (SN 1986, trú thôn An Thạch, xã Xuân An) và Trần Thị Lệ Đăng (trú tổ 1, phường An Phước, thị xã An Khê) 2 năm 3 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4 năm 6 tháng; Đinh Liên (SN 1979), Đinh Thắng (SN 1987), Đinh Đàng (SN 1993) cùng trú làng Hòa Bình, xã Tú An, thị xã An Khê mức án 2 năm 3 tháng tù và Đinh Văn Phứa (SN 1984, trú làng Hòa Bình) 2 năm tù. Đồng thời, 8 bị cáo phải bồi thường thiệt hại số tiền gần 86,4 triệu đồng cho Công ty Sông Kôn.
Cần kiên quyết xử lý vi phạm
Tình hình phá rừng, xâm hại rừng nghiêm trọng như thế nhưng việc xử lý các đối tượng vi phạm gặp không ít khó khăn.
Ông Đặng Bá Quang- Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, cho hay: Phần lớn các đối tượng có hành vi xâm hại rừng là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đứng đằng sau có hành vi kích động, lôi kéo, xúi giục họ phạm pháp. “Bên cạnh việc phối hợp với ngành chức năng điều tra, xử lý các đối tượng xâm hại rừng, thu hồi diện tích rừng bị người dân lấn chiếm, thì biện pháp cốt lõi nhất là Công ty Sông Kôn cần bố trí lực lượng đủ mạnh và duy trì thường xuyên công tác QL-BVR. Đặc biệt, đơn vị cần phối hợp với chính quyền sở tại và vùng giáp ranh tăng cường công tác vận động, tuyên truyền những quy định về phát triển kinh tế rừng bền vững, đúng luật để bà con hiểu và thực hiện”, ông Quang bày tỏ.
Công ty Sông Kôn quản lý và sử dụng 14.932,53 ha đất lâm nghiệp và rừng trên 38 tiểu khu thuộc địa bàn các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Hoài Ân và một số địa phương thuộc thị xã An Khê (Gia Lai).
Còn ông Võ Văn Cường, Giám đốc Công ty Sông Kôn, cho rằng: “Nhiều đối tượng phá rừng có chứng cứ vi phạm đã được ngành chức năng huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Khê xác lập, nhưng việc xử lý, răn đe chưa nghiêm, nên họ ngày càng coi thường pháp luật”.
Theo ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh: Để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng những đối tượng ở 3 xã Xuân An, Cửu An, Tú An và người dân địa phương xâm hại rừng thuộc lâm phận Công ty Sông Kôn quản lý, UBND huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Khê đã và đang chỉ đạo các ban, ngành, cùng lực lượng công an 2 địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, xử lý các đối tượng có hành vi chặt phá, lấn chiếm đất lâm nghiệp của Công ty. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra, rà soát, xử lý dứt điểm tình trạng nêu trên.
TRỌNG LỢI
Bài viết quá hay! Tình trạng này đang diễn khá nhức nhối không chỉ ở Bình Định mà các tỉnh Tây Nguyên cũng đang diễn ra. Mong rằng cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm.