Giải quyết 2 vấn đề lớn
Chấm dứt sản xuất gạch, ngói thủ công tại huyện Tây Sơn; khẳng định “cú hích” từ phân cấp thu - chi ngân sách ở TX An Nhơn… là những nội dung nổi bật từ phiên giải trình tại phiên họp thứ 4 của Thường trực HĐND tỉnh khóa XIII, diễn ra ngày 16.5 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.
Phiên họp do đồng chí Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì, với sự tham gia của các đồng chí: Nguyễn Phi Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Văn Phi - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trưởng, phó các ban của HĐND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành…
Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp thứ 4 của Thường trực HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: N.M
Giải quyết dứt điểm lò gạch thủ công
Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND ngày 11.12.2013 của HĐND tỉnh về việc ban hành Quy định lộ trình và chính sách hỗ trợ chấm dứt hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh, ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng thông tin: Đến cuối năm 2016, các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, TX An Nhơn và TX Hoài Nhơn đã hoàn thành công tác tháo dỡ lò gạch thủ công. Riêng huyện Tây Sơn đã tháo dỡ được 412/958 lò, tỷ lệ 43%.
Đến thời điểm hiện tại, tổng số lò gạch thủ công đã tháo dỡ là 1.112 lò/1.214 lò, đạt tỷ lệ 91,5%. Việc xóa bỏ các lò gạch, ngói thủ công tại 6/7 địa phương đã cơ bản đáp ứng tiến độ theo quy định của Nghị quyết số 25/2013/ NQ-HĐND. Huyện Tây Sơn còn lại 102 lò gạch nung thủ công chưa được tháo dỡ.
Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng giải trình: “Trong 102 lò gạch, ngói thủ công chưa tháo dỡ, có 14 lò đã ngưng hoạt động hoàn toàn, 88 lò còn lại thì hoạt động “nhảy cóc”, không thường xuyên. Để ngăn các lò này không hoạt động, năm 2021, UBND huyện đã làm việc với ngành Điện lực để chấm dứt việc cung cấp điện cho các lò. Sau đó, có tình trạng một số lò hoạt động bằng máy phát điện”.
Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng cam kết trước Thường trực HĐND tỉnh sẽ chấm dứt hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn huyện trong 2 năm tới. Ảnh: N.M
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cho rằng huyện Tây Sơn phải làm rõ nguồn cung nguyên liệu đất sét sản xuất gạch, ngói từ đầu ra, bởi hiện nay không cấp phép khai thác đất sét. Từ đó, xử lý nghiêm đối với việc khai thác đất sét trái phép. UBND huyện cần tiếp thu những thiếu sót, khẩn trương lập kế hoạch cụ thể về việc chấm dứt hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn để có những bước đi tiếp theo hiệu quả.
Kết luận vấn đề, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng chỉ đạo: Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND nêu rõ là “chấm dứt hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công”; vì vậy, huyện Tây Sơn tập trung đảm bảo dừng, chấm dứt hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung, khoan tháo dỡ lò. Trong xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chi phí hỗ trợ tháo dỡ, tổ chức thực hiện sẽ do UBND huyện Tây Sơn chịu trách nhiệm.
“Huyện cũng cần khảo sát, nghiên cứu hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với những trường hợp khó khăn, có hoàn cảnh đặc biệt. Giao Sở Xây dựng tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát việc triển khai chấm dứt hoạt động sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn huyện Tây Sơn”, đồng chí Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Cơ chế đặc biệt về phân cấp ngân sách
Nghị quyết số 36/2018 NQ-HĐND ngày 7.12.2018 của HĐND tỉnh trong phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước giữa các cấp chính quyền địa phương tỉnh Bình Định giai đoạn 2017 - 2020 được xem là “cú hích” thúc đẩy TX An Nhơn phát triển.
Phiên họp đã thông qua dự kiến nội dung, thời gian kỳ họp thứ 6 của HĐND tỉnh khóa XIII. Dự kiến, tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh và các ban HĐND tỉnh sẽ trình 10 báo cáo, 3 tờ trình và dự thảo Nghị quyết. UBND tỉnh trình 7 báo cáo, 38 tờ trình và dự thảo Nghị quyết…
Sau khi thảo luận về nội dung, thời gian kỳ họp, đồng chí Hồ Quốc Dũng kết luận: UBND tỉnh bàn bạc, cân nhắc để trình tại kỳ họp một số tờ trình và dự thảo nghị quyết đã hoàn tất thủ tục, cần triển khai sớm. Thường trực HĐND tỉnh sẽ nghiên cứu để tiếp tục tổ chức một kỳ họp chuyên đề vào cuối tháng 8, đầu tháng 9.2022 để tiếp tục bàn, thông qua các tờ trình còn lại.
Trong 3 năm (2019 - 2021), tiền thuê đất thu một lần cho cả thời gian thuê đối với các dự án, công trình phát sinh trên địa bàn thị xã (ngân sách TX An Nhơn hưởng 100%) là hơn 28,1 tỷ đồng. TX An Nhơn đã sử dụng toàn bộ số thu nêu trên để chi kiến thiết thị chính thuộc sự nghiệp kinh tế: chỉnh trang đô thị, xây dựng, duy tu, sửa chữa vỉa hè, cây xanh và hệ thống điện chiếu sáng.
Còn tiền sử dụng đất của các dự án, công trình đầu tư trên địa bàn (ngân sách TX An Nhơn hưởng 100%) khoảng 925,7 tỷ đồng. Thị xã đã đầu tư cho các hoạt động kinh tế số với tổng số tiền hơn 900,5 tỷ đồng. Cụ thể gồm: Các công trình thuộc lĩnh vực giao thông; các dự án, công trình xây dựng hạ tầng khu đô thị; các công trình thuộc lĩnh vực kinh tế khác; chi y tế, dân số và gia đình, văn hóa thông tin.
Ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Tài chính cho rằng: Nguồn vốn đầu tư ngân sách TX An Nhơn đã cơ bản đáp ứng đầu tư phát triển đô thị, các tuyến đường giao thông quan trọng, kết nối các xã, phường trên địa bàn, tạo nên diện mạo mới cho đô thị An Nhơn. Việc phân cấp nêu trên còn góp phần thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng thị xã đồng bộ, đáp ứng các tiêu chí đô thị loại III và đã được Bộ Xây dựng công nhận thị xã là đô thị loại III trực thuộc tỉnh.
“Nghị quyết cũng tạo điều kiện cho TX An Nhơn có thể chủ động đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư, nhất là trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị nhằm huy động các nguồn lực xã hội vào đầu tư xây dựng thị xã”, ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn nói.
Nguồn: BTV
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Thời gian tới, thị xã cần sử dụng nguồn thu vào các công trình trọng điểm, nhất là các công trình có ý nghĩa kết nối hạ tầng giao thông. Trên cơ sở phân cấp thu - chi ngân sách này, đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, mở rộng phân cấp sang một số lĩnh vực khác để địa phương chủ động triển khai, tạo “cú hích” phát triển cho địa phương.
NGUYỄN MUỘI