Chủ tịch Hồ Chí Minh - người bạn lớn của quốc gia vạn đảo Indonesia
“Có ai không biết hai chính khách là Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Indonesia, Soekarno và Chủ tịch nước Việt Nam, Hồ Chí Minh. Cả hai đều tỏa ánh hào quang như một anh hùng dân tộc, có cùng suy nghĩ trong việc xây dựng đất nước, sự nghiệp cách mạng, mang lại độc lập tự do cho đất nước”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bạn của nhiều lãnh đạo trên thế giới, trong đó có Tổng thống đầu tiên của Indonesia, ông Soekarno. Với những điểm tương đồng trong tấm gương đạo đức, phong cách giản dị và sự lãnh đạo tài tình, đem lại độc lập tự do cho đất nước của hai nhà lãnh đạo, người dân Indonesia đã giành cho Bác Hồ, người bạn lớn của đất nước vạn đảo tình cảm và bày tỏ niềm nể phục.
Hình ảnh Bác Hồ và Tổng thống Soekarno trong chuyến thăm Indonesia tháng 2.1959 tại một triển lãm ở Jakarta. Ảnh: tư liệu.
Đó là những lời mở đầu trong bài viết “Sự đồng điệu của hai người bạn lớn là nền tảng cho đối tác chiến lược” do Chủ tịch Câu lạc bộ nghe đài Borneo Listener Club trên đảo Kalimantan của Indonesia, ông Rudy Hartono viết nhân kỉ niệm ngày sinh Bác Hồ. Ông là một thính giả trung thành của làn sóng VOV, là một trong những người đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá tình yêu của một thính giả với làn sóng phát thanh quốc gia Việt Nam và truyền bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam thân thiện, phát triển trong mắt bạn bè Indonesia. Ông Rudy Hartono cũng là người đạt giải nhất cuộc thi viết tìm hiểu về chuyến đi lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Indonesia do Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia phối hợp với Ban đối ngoại đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức năm 2019.
Chia sẻ với phóng viên, ông Rudy Hartono cho biết: “Trong một buổi phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi đã từng nghe Bác Hồ căn dặn thế hệ tương lai của đất nước “Quyền con người là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Độc lập giành được để con người sống trong hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc” và “Đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân”. Tư tưởng và giá trị cao quý đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khá giống với tư tưởng của Tổng thống SoeKarno, khi ông khích lệ tinh thần đất nước”.
Tổng thống Soekarno, người luôn mặc một bộ comple trắng, áo sơ mi trắng và đội chiếc mũ đen giản dị là người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người luôn được biết đến trong hình ảnh quần áo kaki trắng. Trong cuốn sách của bà Megawati Soekarno Putri, con gái của cố Tổng thống Soekarno, “Bác Hồ” khi gặp” Bung Karno” (tên gọi thân mật Tổng thống Soekarno) chỉ đi đôi dép cao su. Lần đầu tiên Bác Hồ được Bung Karno mời thăm Indonesia vào ngày 23.2.1959. Chuyến đi tới Indonesia 10 ngày đã đặt nền móng cho mối quan hệ bang giao giữa hai nước cho tới ngày nay. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Nhà nước Indonesia trao tặng những danh hiệu cao quý như Bằng Tiến sĩ danh dự, Huân chương Du kích…
Ông Rudy Hartono (đội mũ) cùng những người bạn Việt Nam, Indonesia bên bức ảnh hai vị lãnh tụ. Nguồn: VOV Jakarta.
Ông Rudy Hartono lại tiếp tục kể cho phóng viên VOV tại Indonesia kỉ niệm khi ông xem một bộ phim tài liệu về bác Hồ. Bộ phim nói về cuộc chiến đấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam nhằm chấm dứt sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân Pháp và hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm xuống vào ngày đất nước được độc lập.
“Trong bộ phim ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẵn sàng hi sinh máu xương, suốt đời vì dân, vì nước. Khi đất nước độc lập cũng là lúc sức khỏe Bác Hồ không được tốt. Tôi vô cùng ngưỡng mộ và xúc động trước sự kiên cường của thế hệ đi trước. Nhờ đó mà quan hệ bang giao giữa nhân dân và hai quốc gia này một gắn kết. Từ sự hiểu biết về Việt Nam và nghe các chương trình phát thanh trên Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi tin rằng, mối quan hệ giữa Indonesia và Việt Nam đang phát triển rất thuận lợi và đáng tự hào” - Ông Rudy Hartono nói.
Thính giả trung thành của VOV, một người con của đất nước vạn đảo đã bày tỏ niềm vui khi người dân hai nước đã luôn ghi nhớ công lao của hai vị cha già dân tộc. Tại Việt Nam có các công trình tưởng nhớ như: lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, tên Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt cho thành phố, hình ảnh của Người được in trên đồng tiền Việt Nam, trên những con tem bưu chính và tượng đài Hồ Chí Minh được dựng ở nhiều nơi. Tương tự như vậy, Chính phủ và người dân Indonesia đã xây dựng Bảo tàng Bung Karno, lấy tên Tổng thống Soekarno đặt tên cho sân bay, tên đường, ảnh của ông trên đồng tiền Rupiah, tượng đài Bung Karno và đặt tên đường ở Indonesia và nhiều quốc gia khác. Tất cả các công trình, địa danh có in dấu hai nhân vật vĩ đại này thường xuyên được người dân trong nước và khách du lịch nước ngoài ghé thăm.
Xin được dùng câu thơ của ông Rudy Hartono, một người dân Indonesia cho bài viết hôm nay:
Xin cảm ơn “Bác Hồ” và “Bung Karno”
Nhờ Người, đất nước tiến bộ và phát triển
Nhờ Người, đất nước sẽ luôn luôn hữu nghị
Vì Người, đất nước luôn kết nối và vươn lên sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
Theo Hương Trà (VOV)