Báo chí Việt Nam tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái
Trong năm 2022, các cấp Hội tiếp tục xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội...
Quang cảnh phiên khai mạc chính thức Đại hội đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN.
Trong phiên chính thức của Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI diễn ra sáng 31.12, các đại biểu đã thảo luận một số nội dung quan trọng, những nhiệm vụ, giải pháp có ý nghĩa thiết thực, góp phần thúc đẩy nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, chủ động hội nhập với báo chí khu vực và thế giới...
Nâng cao chuyên môn, tạo cảm hứng để làm ra sản phẩm tốt
Tham luận với nội dung: “Coi trọng nâng cao trình độ nghiệp vụ, giúp hội viên tự tin làm báo đa loại hình, đa nền tảng, đa ngôn ngữ và phương tiện", nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam, đã có những dẫn chứng thực tiễn các hoạt động của Liên chi hội trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, tạo cảm hứng để các nhà báo sáng tạo ra những sản phẩm tốt nhất phục vụ công chúng.
Theo nhà báo Đồng Mạnh Hùng, trong những năm qua Liên chi hội đã tổ chức được 120 hoạt động nghiệp vụ lớn nhỏ, thu hút hơn 4.000 lượt hội viên tham gia trực tiếp và trực tuyến.
Các hoạt động nghiệp vụ được Liên chi hội xác định là tập trung vào việc bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về đạo đức nghề nghiệp (kể cả việc sử dụng mạng xã hội); kiến thức, kỹ năng báo chí cho cả 4 loại hình và kỹ năng tác nghiệp (đặc biệt là trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hoặc tác nghiệp trong điều kiện nguy hiểm như thiên tại, dịch bệnh...).
Để làm được các hoạt động này, Liên chi hội đã phân ra các cấp độ trong khâu tổ chức nghiệp vụ: Liên chi hội tổ chức các hội thảo quy mô toàn Đài, ưu tiên các vấn để mang tính phổ quát, gợi mở, dành cho nhiều đối tượng. Các chi hội tổ chức hoạt động nghiệp vụ phục vụ yêu cầu công việc và nhu cầu cụ thể của hội viên tại cơ sở.
Liên chi hội nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam quan tâm, đầu tư dài hơi, thực hiện một vệt hoạt động nghiệp vụ nhằm hỗ trợ người làm báo trong đơn vị làm chủ kỹ năng sử dụng kiến thức, công nghệ trong môi trường làm báo đa phương tiện, đa loại hình. Để có lực lượng báo cáo viên chất lượng, Liên chi hội đã lập danh sách các nhà báo có kinh nghiệm, giỏi nghề, tâm huyết của Đài cùng với đội ngũ cộng tác viên bên ngoài, tham gia truyền đạt nên các buổi trao đổi rất hấp dẫn, hiệu quả.
Năm 2020, Báo điện tử VOV đẩy mạnh phát triển các thể loại báo chí đa phương tiện (multimedia) như: e-magazine, video, ảnh, infographics.
Báo điện tử VOV đã tổ chức một cuộc trao đổi do diễn giả là nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnamplus, thực hiện nhằm hướng dẫn cho các hội viên cách thức thực hiện các tác phẩm báo chí multimedia.
Ngoài ra, Chi hội thường xuyên trao đổi nội bộ về chuyên môn với các phóng viên, biên tập viên về cách viết, biên tập, kỹ năng chụp ảnh cho báo điện tử; cách làm SEO, tít SEO, keyword, link nội bộ…
Chi hội Nhà báo VOV2 Tổ chức học nghiệp vụ: “Tìm hiểu về Youtube và cách thức thực hiện sản phẩm Youtube"; tổ chức học nghiệp vụ: “Kể một câu chuyện trên sóng phát thanh và trên báo điện tử từ cùng một chất liệu thông tin”.
Trong thời đại 4.0, việc tổ chức của tòa soạn báo cần được thực hiện theo hình thức lấy độc giả làm trung tâm. Tham luận “Tăng cường “Nhận diện thương hiệu của VOV Giao thông" tập trung thảo luận về việc đổi mới cách dẫn chương trình và tương tác của MC trực tiếp, tạo dấu ấn thương hiệu cho kênh.
Với những cách tổ chức hoạt động này, Liên chi hội nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam đã thực sự tạo ra những hoạt động thú vị thu hút các nhà báo tham gia, và đặc biệt là tạo cảm hứng làm báo cho họ. Chính vì vậy năm năm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam đã giành được những thành tích lớn trong các cuộc thi, giải thưởng báo chí mà trước đây chưa từng giành được.
Tạo nhiều "sân chơi" hấp dẫn, thu hút hội viên nhà báo tham gia
Nhà báo Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, đã giới thiệu đến Đại hội về mô hình câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành - một loại hình sinh hoạt hấp dẫn với hội viên; đồng thời nhấn mạnh tới việc cần sáng tạo nhiều “sân chơi" hấp dẫn, thu hút hội viên tham gia, đáp ứng nhu cầu không chỉ về chuyên môn nghiệp vụ, cả về những sở thích lành mạnh, làm cho Hội trở thành "ngôi nhà chung" của những người làm báo.
Nhà báo Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh trình bày tham luận. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN
Tại TP Hồ Chí Minh, cách đây 20 năm, xuất phát từ hoạt động của các nhà báo, hội viên cùng được phân công viết về một lĩnh vực nên quen biết nhau, hỗ trợ nhau trong tác nghiệp. Từ đó hình thành các nhóm phóng viên chuyên ngành, sau đó phát triển thành các câu lạc bộ trực thuộc Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh.
Hiện nay có 6 câu lạc bộ đang hoạt động. Quy mô các câu lạc bộ lúc đầu chỉ khoảng trên 10 người, dần dần đã thu hút, phát triển lớn mạnh. Phần nhiều các thành viên trong câu lạc bộ, nhất là người đứng đầu là những nhà báo từng trải, kinh nghiệm, có uy tín trong giới, nhiệt tình trong công việc của câu lạc bộ, có quan hệ tốt với các cơ quan chức năng liên quan đến lĩnh vực của câu lạc bộ.
Các câu lạc bộ bám sát các lĩnh vực của mình để triển khai các hoạt động khá phong phú; Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh cũng tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các câu lạc bộ hoạt động.
Nhà báo Trần Trọng Dũng cho rằng hoạt động của các câu lạc bộ mang lại một số hiệu quả tích cực, mang tới một “sân chơi" bổ ích, hấp dẫn cho các hội viên, để hội viên gắn bó với hoạt động Hội một cách tự nguyện.
Mô hình này đáp ứng được nhu cầu hợp tác trong quá trình tác nghiệp, thỏa mãn các sở thích cá nhân lành mạnh; góp phần đẩy mạnh truyền thông trên các lĩnh vực theo đúng chủ trương, kế hoạch của thành phố, các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội. Các câu lạc bộ phát triển, góp phần tăng cường mở rộng mối quan hệ đoàn kết giữa các nhà báo.
Theo nhà báo Trần Trọng Dũng, mô hình câu lạc bộ trực thuộc các cấp hội hiện nay đang có xu hướng phát triển ở các cấp hội, liên chi hội nhưng chưa thống nhất về tên gọi, tiêu chuẩn, điều kiện tham gia... Nhà báo Trần Trọng Dũng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam trên cơ sở khảo sát, sơ kết hoạt động của mô hình này để ban hành quy định chung về hoạt động của các câu lạc bộ, tạo sự thống nhất trong triển khai.
Xây dựng đội ngũ nòng cốt trên mặt trận đấu tranh tư tưởng
Trong tham luận “Tổ chức tuyên tuyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên Báo Quân đội nhân dân: Một số kinh nghiệm và kiến nghị" trình bày tại Đại hội, nhà báo Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Báo Quân đội nhân dân, cho biết, trong thực tiễn tổ chức đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng, Báo Quân đội nhân dân đã thu được một số kết quả nhất định, được bạn đọc và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá tốt.
+ Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 52 đồng chí ra mắt Đại hội. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN.
Hệ thống bài, loạt bài đấu tranh phản bác đã tranh thủ được nguồn thông tin đáng tin cậy từ các nhà lãnh đạo, quản lý, thông tin từ các cơ quan có thẩm quyền; tranh thủ trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học; đưa ra cái nhìn toàn cảnh, đa chiều để có sức thuyết phục bạn đọc.
Về mặt thể loại, bên cạnh việc giữ gìn, phát huy thể mạnh của thể tài chính luận các chuyên mục đã mở rộng sang các thể tài khác, như phản ánh, phóng sự, phỏng vấn, ghi chép..., qua đó mở ra một "mặt trận" rộng rãi hơn, có cả tiếng nói của người dân từ cơ sở. Nhờ đó mà thu hút lượng bạn đọc đông đảo hơn.
Từ thực tế đó, nhà báo Nguyễn Hồng Hải kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm đến nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng bằng các chương trình, kế hoạch “đặt hàng" cụ thể với từng cơ quan báo chí để phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả các cơ quan báo chí, nhờ đó tạo được thế trận “đấu tranh nhân dân" trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa.
Tăng cường chỉ sự đạo sâu sát, cụ thể của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam với nhiệm vụ này; đặc biệt là trong cung cấp thông tin, định hướng kịp thời.; tăng cường chỉ đạo khi xảy ra các sự vụ nhạy cảm, các “điểm nóng”.
Đặc biệt, cần có chính sách xây dựng các cây bút chủ lực ở từng cơ quan báo chí, tăng cường quản lý, rèn luyện năng lực và đạo đức đi đôi với chăm lo đời sống của đội ngũ cây bút nòng cốt trên mặt trận đấu tranh tư tưởng.
Theo Minh Huệ (TTXVN/Vietnam+)