Phát triển nghề trồng nấm linh chi ở Bình Định:
Cần có định hướng cụ thể
Sau hơn 2 năm sản xuất và trồng thử nghiệm thành công nấm linh chi, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (ƯDTBKHCN) Bình Ðịnh (thuộc Sở KH-CN) đã kết luận cây nấm linh chi phù hợp với điều kiện trồng ở Bình Ðịnh, cho hiệu quả kinh tế cao và có thể nhân rộng. Tuy nhiên, việc nhân rộng trồng nấm linh chi cần có những định hướng cụ thể...
Từ năm 2011, Trung tâm ƯDTBKHCN đã thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm linh chi”, do kỹ sư Lê Thanh Trúc làm chủ nhiệm. Đề tài này vừa được Hội đồng KHCN chuyên ngành tỉnh nghiệm thu và xếp loại xuất sắc.
Kết quả tốt
Hai giống nấm linh chi DT02 và GL được Trung tâm tiếp nhận từ Viện Di truyền nông nghiệp và Viện Bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật quốc gia. Sau 2 năm nghiên cứu, thử nghiệm, Trung tâm ƯDTBKHCN đã sản xuất được giống, nấm linh chi thương phẩm, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, sẵn sàng chuyển giao cho người trồng.
Mục tiêu là sản xuất khép kín từ sản xuất cung cấp giống nấm, trồng nấm nguyên liệu đến sản xuất ra sản phẩm đóng gói cung ứng cho thị trường. Để xác định khả năng thích nghi của nấm linh chi đối với điều kiện khí hậu của Bình Định, trong các năm từ 2011-2013, đề tài đã xây dựng 2 mô hình trồng nấm linh chi trên mùn cưa, gồm 1 mô hình tại Trạm thực nghiệm KHCN của Trung tâm và 1 mô hình tại hộ ông Phạm Ngọc Dũng, ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn.
Kỹ sư Lê Thanh Trúc cho biết: Cây nấm linh chi phát triển khá tốt, sau khoảng 4 tháng cho thu hoạch. Nếu nuôi trồng 1.000 bịch phôi trong 4 tháng, và giá nấm từ 400 ngàn đồng/kg trở lên, trừ chi phí (tính cả công lao động) có lãi hơn 1,5 triệu đồng. Nếu không tính công lao động, có lãi hơn 3,4 triệu đồng. Mỗi lao động có thể trồng, chăm sóc từ 5.000 - 7.000 bịch phôi, trên diện tích khoảng 100 m2. Nếu người trồng tự sản xuất bịch phôi, lãi sẽ nhiều hơn. Hiện nay, người dân ở một số nơi trong tỉnh như: Hoài Nhơn, Phù Cát, Quy Nhơn… đã tìm hiểu, đầu tư trồng nấm linh chi.
Bên cạnh đó, đề tài còn đầu tư thiết bị sản xuất nước giải khát và trà linh chi túi lọc. Các sản phẩm này đều đã bước đầu được bán trên thị trường. Ngoài sản phẩm, Trung tâm ƯDTBKHCN cũng đã xây dựng quy trình sản xuất nước giải khát và trà linh chi túi lọc để chuyển giao cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu.
Cần tìm hiểu nhu cầu thị trường
Nghề trồng nấm đã phát triển ở Bình Định nhiều năm nay. Theo thống kê của đề tài, từ 2006 đến nay, nhiều hộ gia đình ở huyện Tuy Phước, Tây Sơn, An Nhơn… đã phát triển nghề sản xuất nấm rơm, mộc nhĩ, nấm sò trắng… Kết quả của đề tài là tiền đề cho sự phát triển nghề trồng nấm linh chi nói riêng và nấm dược liệu nói chung ở Bình Định. Ông Huỳnh Xuân Trường - Giám đốc Trung tâm ƯDTBKHCN, cho biết: Để góp phần phát triển nghề trồng nấm trên địa bàn tỉnh và chuẩn bị thực hiện dự án về nấm của Bộ KH-CN, trong 2 năm 2014 - 2015, Trung tâm sẽ xây dựng 5 mô hình trồng nấm linh chi và 4 loại nấm: sò, mộc nhĩ, trà tân, nấm rơm ở nông hộ, với quy mô 20 tấn bịch phôi/mô hình/năm, để sản xuất khoảng 4 tấn nấm tươi. Riêng Trung tâm sẽ sản xuất khoảng 150 tấn nguyên liệu phôi/năm để cung cấp cho thị trường.
Phát triển các nghề sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu cũng là một trong những chương trình đã và đang được tỉnh ta mở rộng trong năm nay nhằm tạo ra sản phẩm thương mại hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là một hướng trọng điểm để phát triển công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững mà Nhà nước đang khuyến khích. Tuy nhiên, không riêng gì Bình Định, nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đang triển khai các chương trình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, trong đó có nấm linh chi. Vì vậy, để nghề trồng nấm linh chi phát triển ổn định, ngành chức năng cần có định hướng cụ thể, tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường, hướng tiêu thụ sản phẩm nhằm tránh tình trạng sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ trên thị trường.
MAI HỒNG