Như ánh dương bất khuất
Hoạt động từ tháng 6.1967 - 5.1972, Trại giam nữ tù binh Phú Tài của Mỹ - ngụy đã giam giữ khoảng 1.000 tù binh nữ. Ðây là trại giam nữ tù binh duy nhất ở Việt Nam, cũng là nơi minh chứng cho ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hôm nay (18.5), UBND tỉnh tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho tập thể Nữ tù binh Trại giam Phú Tài.
Như tên gọi, tù binh tại trại giam này chủ yếu là nữ với tuổi đời còn rất trẻ, từ 17 - 22 tuổi, đa số chưa lập gia đình. Địch bố trí thành 4 trại, gồm trại 1 (gọi là trại chiêu hồi); trại 2 và 3 giam giữ các nữ tù binh giữ vững khí tiết, lập trường cách mạng, không khai báo, không đầu hàng; trại 4 là khu biệt giam, có đến 6 “chuồng cọp” làm bằng kẽm gai, tù binh bị nhốt ở đây được xếp vào hàng ngoan cố, cứng đầu, chống cự.
Giữ vững khí tiết, kiên cường đấu tranh
Việc phân loại giới nữ để giam giữ riêng cho thấy âm mưu thâm độc và dã man của địch, nhằm vào người phụ nữ để áp dụng chế độ cai trị và hình thức tra tấn riêng.
Năm 1968, khi mới 22 tuổi, bà Ngô Thị Thanh Trúc (76 tuổi, ở TP Quy Nhơn, hiện là Phó trưởng Ban liên lạc Nữ tù binh Trại giam Phú Tài) bị địch bắt. Hơn 5 năm bị giam cầm tại đây, địch thực hiện chế độ giam giữ khắc nghiệt đối với bà Trúc cùng các nữ tù khác nhằm làm cho suy kiệt thể xác, tinh thần và chết dần chết mòn trong trại giam.
Các nữ cựu tù Trại giam tù binh Phú Tài vui mừng khi gặp lại nhau. Ảnh: HỒNG PHÚC
Bà Trúc kể lại: “Mỗi phòng có diện tích khoảng 120 m2, chúng giam 70 - 80 người, có khi đến 100 - 150 người. Phòng giam như một hộp sắt, ban ngày nóng nực, ban đêm lạnh buốt. Chế độ ăn uống, sinh hoạt rất thiếu thốn. Địch tra khảo, vô hiệu hóa nữ tù binh ngay khi họ vừa đặt chân vào trại giam bằng mọi thủ đoạn xảo quyệt. Từ dùng lời ngon ngọt để dụ dỗ cho đến áp dụng các hình thức tra tấn dã man thể xác và khủng bố tinh thần, buộc người tù chịu không nổi, phải vào trại chiêu hồi, phản bội cách mạng”.
Nhưng dù cho địch có dùng đủ hình thức từ kiểu trung cổ đến hiện đại để tra tấn thì cũng không thể làm lung lạc tinh thần của các nữ tù binh Phú Tài. Đặc biệt, tổ chức Đảng đã được thành lập trong trại giam để lãnh đạo phong trào đấu tranh.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết (tức Tám Chỉ, 87 tuổi, ở TP Quy Nhơn), Đảng ủy trại giam Phú Tài có biệt hiệu “BK” (Bất Khuất) ra đời vào ngày 19.8.1968; Ban Chấp hành có 7 người do bà làm Bí thư. Từ sự ra đời của Đảng ủy BK, các tổ chức quần chúng: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Đội Quyết tử, Đội Xung kích… được thành lập, thực hiện thành công mục tiêu nuôi dưỡng ngọn lửa cách mạng và xây dựng mặt trận chống địch trong trại giam.
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn thể và đội quyết tử, các nữ tù binh luôn giữ vững lý tưởng cách mạng, biến nhà tù thành trường học, thành trận địa đấu tranh mới, đập tan âm mưu thâm độc của địch cho đến khi giành thắng lợi cuối cùng”, bà Quyết chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lý (71 tuổi, ở Đắk Lắk, hiện là Trưởng Ban liên lạc Nữ tù binh Trại giam Phú Tài), đến ngày 18.5.1972, địch chuyển tất cả tù binh về Trại giam Cần Thơ cho đến khi tù binh được trao trả vào tháng 2.1973 theo Hiệp định Paris. Trong các cuộc đấu tranh một mất một còn, đã có nhiều nữ tù hy sinh, hàng trăm người bị thương tật, di chứng suốt đời.
Khắc ghi công lao
Trong số gần 1.000 nữ tù của 30 tỉnh, thành bị giam giữ tại Trại giam nữ tù binh Phú Tài, Bình Định có gần 300 người. Dù tay không tấc sắt, nữ tù binh Bình Định đã anh dũng chiến đấu chống lại chế độ lao tù độc ác của địch; giữ vững phẩm chất, khí tiết của người chiến sĩ cách mạng.
Các cựu nữ tù chụp ảnh lưu niệm trước Tượng đài Nữ tù binh Trại giam Phú Tài khi về thăm lại di tích lịch sử Trại giam tù binh Phú Tài vào chiều 17.5. Ảnh: HỒNG PHÚC
Nữ tù binh Phú Tài là người Bình Định có một “lời thề” riêng: “Sống trong tù kiên trung, bất khuất, sống ngoài đời tình nghĩa, thủy chung”. Sau ngày trao trả, đa số các cựu nữ tù tiếp tục hoạt động cách mạng và tích cực tham gia vào các hoạt động của địa phương sau khi đất nước hòa bình.
Ghi nhớ công lao của các nữ chiến sĩ cộng sản kiên cường, năm 2002, Trại giam tù binh Phú Tài đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Di tích và Tượng đài Nữ tù binh Trại giam Phú Tài được xây dựng và hoàn thành vào tháng 12.2016. Công trình được xây dựng khang trang, nổi bật với hình ảnh 3 người phụ nữ đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam hiên ngang giật tung xiềng xích. Phần đế tượng gợi đến hình ảnh một nhà tù với ô cửa sổ, những hình khối nặng nề tượng trưng cho sự khắc nghiệt, bạo tàn của chế độ cũ.
Chiều hôm qua (17.5), các nữ cựu tù tề tựu về dưới chân tượng đài để tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh, cùng nhau hồi tưởng về những năm tháng oai hùng. Những người phụ nữ chưa từng khuất phục trước đòn roi tra tấn tàn bạo, dã man của kẻ thù, giờ bật khóc khi gặp lại nhau.
Ngày 1.9.2020, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho 15 tập thể thuộc Bộ Quốc phòng có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; trong đó có tập thể nữ tù binh Trại giam Phú Tài, tỉnh Bình Định. Đây là sự ghi nhận xứng đáng những đóng góp to lớn cho cách mạng của tập thể nữ tù binh Trại giam Phú Tài.
Cựu nữ tù Trần Thị Duy Vinh (78 tuổi, hiện ở TP Hồ Chí Minh) xúc động cho biết: “Kể làm sao cho xiết những đớn đau, nhục hình trong chốn địa ngục trần gian ấy. Nhưng ai cũng tự dặn lòng là cố gắng kiên gan để sống, chiến đấu với kẻ thù, chờ ngày đất nước giải phóng. Với chúng tôi, đó là thời thanh xuân đẹp đẽ và ý nghĩa nhất”.
Dù tuổi cao sức yếu, nhưng niềm vui khi được gặp lại bạn tù chính trị từng một thời chết đi sống lại dưới những trận đòn tra tấn dã man của địch khiến những nữ cựu tù Phú Tài như khỏe ra... Bà Lê Thị Nguyệt Lan (73 tuổi, ở tỉnh Bình Dương) bộc bạch: “Được sống, trở về như hôm nay, chúng tôi trân quý giá trị của hòa bình. Dù tuổi cao, sức yếu, chúng tôi sẽ luôn phát huy những phẩm chất đã được tôi luyện trong nhà tù, dạy dỗ con cháu nên người, sống đẹp để xứng đáng với những đồng đội đã anh dũng ngã xuống trong lao tù”.
* * *
Qua tháng năm, bụi thời gian có thể xóa mờ nhiều thứ, nhưng những câu chuyện về các nữ tù binh chỉ với tấm lòng trung kiên và tinh thần bất khuất, hằng ngày, hằng giờ ngoan cường chiến đấu, chống lại âm mưu thâm độc của địch trong Trại giam Phú Tài mãi mãi không phai mờ…
HỒNG PHÚC