Học phong cách gần dân, vì dân, thương dân và tin dân của Bác
Nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2022), PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi cùng GS-TS Hoàng Chí Bảo - Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, người đã nghiên cứu tư tưởng, di sản về Hồ Chí Minh suốt gần nửa thế kỷ qua.
GS.TS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương. Ảnh: Trần Vương
Thưa ông, cơ duyên nào đã đưa ông đến với công việc nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh?
- Đối với tôi việc nghiên cứu và kể chuyện về Bác được xem cơ duyên. Bản thân tôi khi mới 20 tuổi đã là một nhà giáo, dạy văn học cho học sinh phổ thông thơ văn của Bác. Trong đó có tác phẩm “Nhật ký trong tù”. Đó là điểm xuất phát đầu tiên để tôi tìm đến với Bác, đó cũng là khởi đầu cơ duyên để tôi đến với việc nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Bác.
Tôi cũng đã từng được dự Lễ tang Bác Hồ vào năm 1969 và nghe những lời điếu văn hết sức xúc động về Bác. Sau đó, bản Di chúc của Bác Hồ được công bố càng giúp mọi người hiểu rõ hơn về một vị lãnh tụ suốt đời lo cho nước, vì dân. Từ đó, tôi nguyện để tâm nghiên cứu về Bác Hồ.
Là người nghiên cứu về tư tưởng, di sản về Hồ Chí Minh suốt gần nửa thế kỷ qua, nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông có thể chia sẻ những điều ấn tượng nhất khi nghiên cứu về Bác?
- Nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến ấn tượng Bác có những huyền thoại. Huyền thoại tức là có những điều phi thường đã trở thành sự thực lịch sử. Cho nên, dù Bác đã đi xa hơn nửa thế kỷ, chúng ta vẫn cảm nhận như Bác đang sống cạnh chúng ta, cả trong lòng dân tộc và trong trái tim nhân loại.
Càng đi sâu vào nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp đến di sản, tư tưởng, đặc biệt là đạo đức, phong cách của Bác, tôi càng cảm nhận rằng, Bác Hồ của chúng ta là một con người vĩ đại mà giản dị. Bác Hồ là lãnh tụ của dân cho nên suốt đời khát khao tự do, độc lập và hành động hết mình vì độc lập, tự do. Bác có những bí danh như Ái Quốc, Ái Dân… tức là yêu nước, yêu dân. Cả cuộc đời Bác dành trọn cho dân, cho nước, vì nền độc lập, dân chủ đã chứng minh điều đó.
Sự vĩ đại ở Hồ Chí Minh được thể hiện trong một phong cách rất đỗi giản dị và đời thường. Đấy là điều rất đặc sắc. Không hàn lâm, bác học, tác phẩm của Bác giản dị đến người dân trình độ thấp vẫn hiểu được. Không bao giờ Bác dùng khái niệm trừu tượng, mà nói chuyện gần gũi với đời sống người dân, lời ăn tiếng nói của dân.
Hình ảnh Bác Hồ giản dị trong lời ăn tiếng nói, trong phong cách, trong ứng xử, trong sinh hoạt. Giản dị ngay trong hình thức sinh hoạt, đôi dép caosu trở thành huyền thoại, bộ quần áo nâu cũng trở thành huyền thoại. Bữa cơm đạm bạc chỉ với cá bống, cà ghém của lãnh tụ mà giống như của người dân thường cũng đã trở thành huyền thoại.
Vì vậy mà hình tượng Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng nhân dân, thưa ông?
- Sự giản dị trong Hồ Chí Minh là một sự giản dị tự nhiên, không chút gì khiên cưỡng, tô vẽ nên không có một khoảng cách nào giữa lãnh tụ và người dân. Từ những cháu nhỏ, thiếu niên nhi đồng đến lớp thanh niên, chiến sĩ, công an, bộ đội… cũng rất gần gũi với Bác. Giản dị ngay trong cả những câu chuyện đời thường, những câu chuyện nhỏ nhưng làm nên tầm vóc lớn.
Lời nói của Bác xuất phát từ trái tim nên có sức thuyết phục, thu phục rất lớn. Không chỉ thuyết phục với người dân mà còn với các tầng lớp học giả trí thức, chính khách trong nước cũng như thế giới. Gặp Bác, ai cũng có cảm giác rất gần gũi và thân thiện.
Phong cách Hồ Chí Minh có sức cảm hóa, lôi cuốn bao nhiêu con người từ trong Đảng đến trong dân, cả bạn bè quốc tế cũng ngưỡng mộ. Ta thấy phong cách của Bác là cả một giá trị văn hóa. Học phong cách của Bác, nhất là trong điều kiện hiện nay, chúng ta học phong cách gần dân, vì dân, thương dân và tin dân.
Thưa ông, chúng ta đang đẩy mạnh về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vậy phải làm gì để việc này ngày càng hiệu quả, thực chất hơn?
- Sau Đại hội XII, Bộ Chính trị có một chỉ thị rất quan trọng đó là Chỉ thị 05 -CT/TW: “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, ngày 18.5.2021, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Kết luận 01-KL/TW về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Kết luận 01-KL/TW cũng đã nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW hiệu quả. Kết luận nêu rõ: Để việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian tới đạt hiệu quả thiết thực, cần phải quán triệt, tập trung làm tốt ba nội dung: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đây là các nhiệm vụ trọng tâm, phương hướng cơ bản trong thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị.
Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có hiệu quả, bền vững, có tác dụng lan tỏa rộng rãi tạo được chuyển biến trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì phải chống bệnh hình thức, phô trương, lãng phí, tốn kém. Phải chú trọng vào sự gương mẫu của các cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau.
Cùng với đó, phải chú trọng giáo dục nhận thức đi liền với bồi dưỡng tình cảm, cảm xúc và biểu hiện thành hành động. Có nhiều việc tốt, người tốt. Hãy nhớ lời Bác, mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc là một vườn hoa đẹp. Phải chú trọng hành động thực tiễn, nêu gương người tốt việc tốt. Các điển hình cá nhân và tập thể.
Xin cảm ơn ông!
TheoTrần Vương (Báo Lao động)