Thụy Điển và Phần Lan chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 18.5 cho biết, Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự lớn nhất thế giới này.
Động thái này được thực hiện do những lo ngại an ninh liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto (trái) và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Anderssontrong một cuộc họp báo chung tại Stockholm. Ảnh: AP.
Phát biểu với báo chí sau khi nhận đơn xin gia nhập từ các đại sứ của 2 quốc gia Bắc Âu, ông Stoltenberg cho biết: “Tôi nhiệt liệt hoan nghênh yêu cầu gia nhập NATO của Phần Lan vàThụy Điển. Các bạn là đối tác thân thiết nhất của chúng tôi”. Ông nói thêm: “Đây là một ngày tốt lành trong thời điểm quan trọng đối với an ninh của chúng tôi”.
Đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan sẽ được tất cả 30 thành viên của NATO xem xét. Quá trình này dự kiến kéo dài 2 tuần. Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bày tỏ sự phản đối trước kế hoạch gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Nếu vượt qua rào cản này và các cuộc đàm phán kết nạp diễn ra suôn sẻ, 2 nước có thể trở thành thành viên của NATO trong vòng vài tháng. Hiện NATO đang muốn nhanh chóng kết nạp Thụy Điển và Phần Lan trong bối cảnh Nga đẩy mạnh cuộc tấn công tại Ukraine.
Ông Stoltenberg cho biết, các thành viên trong NATO “quyết tâm giải quyết mọi vấn đề và nhanh chóng đưa ra quyết định: “Tất cả các đồng minh đều nhất trí về về tầm quan trọng của việc mở rộng NATO. Tất cả chúng tôi đều nhất trí sẽ sát cánh cùng nhau, và nắm bắt thời khắc lịch sử này”.
Quy trình trở thành thành viên của NATO không được chính thức hóa và các bước có thể khác nhau. Nhưng trước tiên, yêu cầu tham gia của 2 quốc gia trên sẽ được xem xét trong cuộc họp của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (NAC), có thể là ở cấp đại sứ.
NAC sẽ quyết định các bước phải thực hiện để Thụy Điển và Phần Lan đạt được tư cách thành viên. Điều này chủ yếu phụ thuộc vào mức độ đáp ứng của các ứng cử viên đối với tiêu chuẩn về chính trị, quân sự và luật pháp của NATO và việc liệu họ có đóng góp vào an ninh ở khu vực Bắc Đại Tây Dương hay không.
Theo Hồng Anh (VOV.VN)