KỶ NIỆM 132 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19.5.1890 - 19.5.2022)
Học Bác lòng ta trong sáng hơn
Cả cuộc đời vì dân, vì nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại di sản vô cùng quý báu cho nhân dân ta là tư tưởng và tấm gương đạo đức, phong cách của Người. Đó chính là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa nhân loại; là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo.
Nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên
Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong giai đoạn 2021 - 2026, Bộ Chính trị đã lựa chọn chuyên đề toàn khóa - Chuyên đề 2021: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Nằm ở vị trí giáp biển, Quảng trường Nguyễn Tất Thành là điểm đến thu hút nhiều người. Ảnh: DŨNG NHÂN
Năm 2022, xuất phát từ vị trí, vai trò cán bộ, công tác cán bộ và thực tiễn cách mạng Việt Nam và của tỉnh, Tỉnh ủy Bình Định chọn chuyên đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức cách mạng, đủ năng lực, tiên phong, gương mẫu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” để triển khai. Thời gian qua, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài. Trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã xác định các nội dung mang tính trọng tâm, đột phá gắn với nhiệm vụ phát triển KT-XH, giảm nghèo, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng của Bác.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác, qua Chuyên đề học tập năm 2022, từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đến người lao động đã nâng cao ý thức “tự giác, tự rèn”, “tự soi, tự sửa” để ngày càng hoàn thiện bản thân, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đánh giá qua 1 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Xuân cho biết: “Việc tổ chức học tập, quán triệt chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hằng năm về học tập và làm theo Bác được các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Qua triển khai việc học tập và làm theo Bác, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng các cấp, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến trong học tập và làm theo Bác, có sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Hội Nông dân tỉnh trao bằng khen cho các tập thể nông dân điển hình học tập và làm theo Bác, giai đoạn 2021 - 2022. Ảnh: N. HÂN
Tạo sức lan tỏa sâu rộng
Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Mỗi cá nhân gương mẫu sẽ tạo nên một tập thể gương mẫu, vững mạnh”, thời gian qua, Đảng bộ xã Cát Minh (huyện Phù Cát) luôn đề ra nhiều giải pháp, việc làm thiết thực trong học tập và làm theo Bác, tạo sức mạnh đoàn kết trong xây dựng hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao. Và với quyết tâm cao, niềm vui lớn đã đến với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương khi đã hoàn thành 13/13 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận.
“Để nâng cao hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục lựa chọn những vấn đề quan trọng, đột phá, những việc nổi cộm, bức xúc, nhân dân quan tâm để tập trung chỉ đạo, tổ chức xử lý, giải quyết có hiệu quả; gắn việc học tập, làm theo và nêu gương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng mô hình điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo; phát hiện những mô hình hay, cách làm sáng tạo, để kịp thời phổ biến, nhân rộng, tạo sự lan tỏa tích cực trong toàn xã hội; kịp thời biểu dương, khen thưởng, uốn nắn, khắc phục những biểu hiện lệch lạc, bệnh qua loa hình thức. Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong việc học tập, làm theo và nêu gương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Đồng chí HUỲNH THANH XUÂN, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Đưa chúng tôi đi tham quan các tuyến đường giao thông nông thôn vừa được nâng cấp mở rộng khang trang, Bí thư Đảng ủy xã Cát Minh Huỳnh Ngọc Thơm phấn khởi chia sẻ: Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Bác “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, để thực hiện thành công tiêu chí về giao thông, Đảng ủy xã đã tập trung vận động nhân dân cùng chung sức, đồng lòng, nâng cấp, mở rộng thêm 6 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài hơn 10 km, tạo sự kết nối giao thông liên hoàn. Được sự ủng hộ tích cực của nhân dân, chỉ sau 1 năm triển khai, 6 tuyến đường trước đây nhỏ hẹp, thường xuyên chịu cảnh “nắng bụi, mưa bùn” giờ đã mở rộng mặt đường từ 5 - 5,5 m.
Ông Nguyễn Thái Bình (60 tuổi, ở thôn Gia Lạc, xã Cát Minh) tự nguyện hiến 125 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn hồ hởi cho hay: “Hưởng ứng vận động của chính quyền trong việc chung tay, góp sức cùng xây dựng hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, gia đình tôi đã tự nguyện hiến đất mà không hề đòi hỏi phải đền bù, hỗ trợ gì. Tôi tự nguyện hiến đất vì thấy cái lợi chung lớn hơn quyền lợi cá nhân mình!”.
Trưởng thôn Gia Lạc Nguyễn Văn Chương cho hay: Để mở rộng, nâng cấp tuyến đường giao thông kết nối từ tỉnh lộ 633 đến xã Mỹ Cát, qua vận động tất cả 18 hộ dọc theo tuyến đường nhất trí hiến hơn 2.600 m2 đất vườn, đất ruộng mà không hề tính toán thiệt hơn. Trong đó, có hộ ông Trương Khanh tự nguyện hiến trên 600 m2 đất để làm đường. Nhờ vậy, việc thi công đường diễn ra nhanh chóng.
Về Cát Minh hôm nay, cảm nhận của chúng tôi là diện mạo nông thôn đang trên đà khởi sắc, đường làng, ngõ xóm khang trang, cảnh quan môi trường sạch đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Điều mừng hơn là thu nhập bình quân đầu người của nhân dân trong xã đến nay đạt 52,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,1%.
“Kết quả đó có được chính là nhờ sức mạnh đoàn kết, không ngừng nỗ lực học tập và làm theo Bác của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã”, ông Thơm khẳng định.
Một điển hình khác trong học tập và làm theo Bác ở Phù Cát có thể kể đến chị Trần Thị Phượng, hội viên phụ nữ thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh. Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại địa phương trong năm 2021, chị không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, tự nguyện đóng góp kinh phí tham gia cùng các chị em trong thôn nấu các suất cơm phục vụ lực lượng tuyến đầu. Lúc địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, chị Phượng tích cực liên hệ với các nhà vườn, đầu mối cung cấp nông sản, lương thực để đặt mua và cấp phát đến tận nhà cho người dân địa phương.
Chị Phượng bộc bạch: “Tôi tâm niệm học tập và làm theo Bác không phải việc gì lớn lao, mà chính là lối sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, bà con lối xóm, sự tương thân, tương ái, “tối lửa, tắt đèn” có nhau”.
Như muôn mạch nước nhỏ hòa thành dòng sông lớn, mỗi chúng ta hãy học tập và làm theo Bác từ những việc nhỏ nhất để trở thành người tốt, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, văn minh. Và, để cảm nhận được rằng, học Bác lòng ta trong sáng hơn.
NGUYỄN HÂN