Châu Âu sẽ chi 221 tỷ USD để thoát phụ thuộc năng lượng Nga
Theo Kế hoạch REPowerEU, châu Âu sẽ tiết kiệm năng lượng, tìm nguồn cung thay thế và tăng tốc chuyển dịch sang năng lượng bền vững.
Ủy ban châu Âu (EC) hôm 18.5 công bố kế hoạch "REPowerEU" trị giá 210 tỷ euro (221 tỷ USD) nhằm giảm phụ thuộc vào dầu khí Nga. Theo kế hoạch, việc tiêu thụ khí đốt Nga trong khối sẽ giảm 66% cuối năm nay và chấm dứt hoàn toàn trước năm 2027. Khối này sẽ tiết kiệm năng lượng, tìm nguồn cung thay thế và tăng tốc chuyển dịch sang năng lượng bền vững.
"Chúng ta đang đưa tham vọng lên một tầm cao mới, để đảm bảo độc lập khỏi nhiên liệu hóa thạch Nga càng nhanh càng tốt", Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết trong họp báo hôm qua.
Từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine cuối tháng 2, châu Âu đã tìm cách giảm phụ thuộc vào nhiên liệu từ nước này. Họ đã thống nhất cấm nhập khẩu than Nga từ tháng 8. Tháng trước, tỷ lệ khí đốt Nga trong cơ cấu nhập khẩu khí của EU đã giảm từ 40% năm ngoái xuống 26%.
Kế hoạch mới này mạnh tay hơn, tăng tốc nhập khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và Canada, cũng như tăng khí đốt bằng đường ống từ Na Uy.
EC cũng thiết lập một nền tảng cho phép các nước mua chung năng lượng, nhằm hạ giá đang ở mức cao. "Khi hành động cùng nhau, châu Âu sẽ có lợi thế hơn", bà von der Leyen giải thích, "Bằng cách này, chúng ta có thể đảm bảo việc nhập khẩu mà không gây ra cạnh tranh giữa các nước thành viên".
Kế hoạch cũng nhấn mạnh vào các biện pháp tiết kiệm năng lượng, được đánh giá là "nhanh nhất và rẻ nhất" để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại. Châu Âu sẽ khuyến khích người dân và doanh nghiệp giảm sử dụng nhiên liệu, như tắt bớt đèn và dùng ít điều hòa hơn. Việc này được dự báo giảm nhu cầu dầu và khí đốt thêm 5% trong ngắn hạn.
Về dài hạn, châu Âu sẽ nâng mục tiêu về năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng từ 40% lên 45%. Họ cũng sẽ giảm thời gian cấp phép cho các dự án năng lượng bền vững.
Phần lớn số tiền 210 tỷ euro này sẽ được lấy từ quỹ phục hồi trong đại dịch của EU. Một số phần trong kế hoạch này sẽ cần sự chấp thuận từ các thành viên EU.
(Theo Hà Thu/theo CNN)