Giảm nghèo bền vững
Tại phiên thảo luận ở hội trường kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII về việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012, đại biểu Quốc hội Trần Văn Bản, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, đã phát biểu đánh giá cao những kết quả đã đạt được. Ông viện dẫn những số liệu trong các báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ, như tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 22% (năm 2005) xuống còn 7,8% (năm 2013), tỉ lệ hộ nghèo trong 62 huyện nghèo giảm xuống còn 37%. Đặc biệt đã có tới 57,5% xã bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đã có chuyển biến rõ rệt, 7,4% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, 84% xã đặc biệt khó khăn có điện lưới quốc gia, 100% xã có trường tiểu học, trung học và trạm y tế xã…
Tuy nhiên, theo ông cũng như nhiều đại biểu khác, thực tế công tác này còn một số mặt hạn chế. Tỉ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh, nhưng chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo vẫn còn cao. Nhiều hộ gia đình nằm mức cận nghèo, chỉ cần bị ảnh hưởng của thời giá, của thiên tai là rớt xuống hộ nghèo. Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, bình quân mỗi năm, cứ 3 hộ thoát nghèo lại có 1 hộ tái nghèo. Mặt khác vẫn còn có sự chênh lệch khá lớn về mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư. Tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước.
Nguyên nhân đáng kể là do một số cơ chế chính sách ban hành còn bất cập, chưa đủ mạnh, chưa bảo đảm được yếu tố thoát nghèo bền vững. Mặc dù chúng ta có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình 135 và Nghị quyết 30a, Nghị quyết 80/CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững, nhưng còn nhiều cơ chế, chính sách dàn trải, chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực. Mặt khác, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn ngân sách vẫn còn không ít ở nhiều cán bộ cơ sở và người nghèo. Nhiều chính sách giảm nghèo còn nặng về bao cấp, hỗ trợ cho không mà không kèm theo điều kiện, tạo ra tâm lý ỷ lại, trông đợi, làm mất động lực vươn lên thoát nghèo.
Trong báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới khuyến cáo, trong gần hai thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam được thế giới biết đến như một điển hình về tăng trưởng và giảm nghèo, thế nhưng hiện đang rơi vào tình trạng tăng trưởng thấp kéo dài, phát sinh những lĩnh vực rủi ro mới và bất bình đẳng gia tăng. Do đó, nhiệm vụ giảm nghèo của Việt Nam càng trở nên khó khăn, thách thức lớn hơn. Điều đáng lo ngại là, nhóm người trong diện nghèo lại thường sống ở nông thôn, ở khu vực xa xôi, hẻo lánh. Chẳng những trình độ hạn chế mà từ tay nghề cho đến công ăn, việc làm của họ càng hạn hẹp hơn.
Trong điều kiện đó, làm gì để giảm nghèo bền vững đã được “mổ xẻ” tại nghị trường Quốc hội. Nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá lại chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, từ đó xây dựng chính sách sinh kế cho người dân thông qua việc chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo không nên dàn trải, mà tập trung trọng điểm; ưu tiên những vùng thật sự khó khăn, biên giới, hải đảo. Thực tế, đa số hộ nghèo tuy thoát nghèo nhưng đời sống vẫn còn rất khó khăn. Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng chính sách đột phá trong công tác giảm nghèo; xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm an sinh xã hội tối thiểu cho người nghèo về việc làm, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục, điện lưới, nước sạch.
Cũng cần phân định rõ đối tượng để hỗ trợ đúng người, đúng việc. Các hộ nghèo là người già neo đơn, không còn sức lao động, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo cần được chuyển sang hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Những người nghèo còn sức lao động nhưng thiếu vốn, tư liệu sản xuất thì hỗ trợ vốn, cây con giống, hướng dẫn sản xuất. Cần hỗ trợ nhiều hơn để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ gắn với phát triển công nghiệp, tạo nhiều việc làm cho khu vực nông thôn, miền núi. Việc sử dụng nguồn Quỹ “Vì người nghèo” cần ưu tiên để tạo việc làm, tăng thu nhập, thay vì hỗ trợ nhà ở như hiện nay.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung thêm các chính sách về giảm nghèo đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung về vấn đề đất đai, tăng đầu tư cho các huyện, xã nghèo xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là giao thông, thủy lợi; bố trí đủ nguồn lực cho địa phương hoàn thành các chương trình dự án tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững; từng bước giảm dần hình thức hỗ trợ trực tiếp đối với các nhóm đối tượng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người nghèo tự vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên mọi sự hỗ trợ chỉ thật sự có hiệu quả khi người nghèo có ý thức vươn lên, nắm bắt cơ hội để thoát nghèo. Thực tế, cuộc đấu tranh xóa đói, giảm nghèo còn nan giải khi sức ì của một bộ phận người nghèo còn rất lớn. Làm thế nào để nêu cao ý chí quyết tâm vượt nghèo của các xã nghèo, vùng nghèo và chính bản thân người nghèo mới có thể giảm nghèo một cách bền vững
Ngọc Minh