Nhức nhối… kem trộn!
Kem không rõ thành phần, kem tự chế hay còn gọi là kem trộn gây ra nhiều tác hại với sức khỏe người tiêu dùng. Thế nhưng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này vẫn đang tồn tại, thậm chí “ăn nên làm ra”, dù bị xử phạt nhiều lần.
Khổ vì tin quảng cáo
Chị P.T.M.T. (ở xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ) sau khi tin lời quảng cáo “trắng nhanh cấp tốc, bật tone da, an toàn lành tính” đã sử dụng nhiều loại kem khác nhau được bán tràn lan trên mạng, với giá 300 - 500 nghìn đồng/sản phẩm.
Chị T. chia sẻ: “Ban đầu tôi cũng ái ngại, nhưng thấy nhiều chị em mua nên tôi cũng thử. Đúng là da có trắng lên thật, lại mịn màng hơn lớp da cũ. Thấy đã như mong muốn, tôi ngưng sử dụng thì da mặt bắt đầu sậm lại, bề mặt sần sùi, nổi đốm nâu. Quá lo lắng, tôi phải đến bệnh viện để điều trị hơn 1 tháng nay”. Hiện tại, làn da của chị đã ổn định hơn nhưng vẫn phải tiếp tục các đợt thăm khám thường xuyên để giải quyết dứt điểm hậu quả của kem trộn.
Tương tự, vì muốn làm chậm quá trình lão hóa, sở hữu làn da mịn màng nhưng ít tốn kém, chị V.P.T. (ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) dùng các loại kem được quảng cáo là “kem dưỡng thể được làm từ phôi kem mặt, giúp tăng hiệu quả dưỡng trắng”. Dùng chưa bao lâu, chị bị kích ứng, da nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, bong tróc.
“Suốt thời gian bị kích ứng do dùng kem trộn, tôi không dám ra ngoài vì mặc cảm. Đến khi da nổi mẩn nghiêm trọng hơn, tôi được người thân đưa đến bệnh viện để khám và điều trị. Tại đây, bác sĩ kết luận, da tôi bị “ngộ độc” do sử dụng kem không rõ nguồn gốc”, chị T. kể.
Trên đây là 2 trong nhiều trường hợp sử dụng kem không rõ thành phần, xuất xứ làm cho “tiền mất, tật mang”. Theo Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa Vũ Tuấn Anh, kem không rõ thành phần, kem tự chế hay kem trộn thường có các hoạt chất như corticoid, hydroquinone, tretinoin cùng nhiều hoạt chất khác. Do công thức và tỷ lệ không đúng khi tự pha trộn nên dễ gây tác dụng phụ, biến chứng như: Sạm da, da loang lổ, giãn mạch máu dưới da, teo da… Thậm chí nhiều trường hợp không thể điều trị phục hồi vì tổn thương da nghiêm trọng và lâu dài.
Bên cạnh đó, bệnh nhân dùng kem trộn lâu năm, da có thể bị “nghiện”, khi ngừng sẽ có phản ứng “dội ngược” nên da sẽ viêm, xấu đi nhanh chóng phải điều trị kết hợp bằng nhiều phương pháp từ 3 - 6 tháng mới có hiệu quả; tốn kém, ảnh hưởng tâm lý người bệnh. Do đó, các chị em cần lựa chọn các thương hiệu có tên tuổi, tìm hiểu kỹ từng sản phẩm và tránh các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được kiểm định.
Bệnh nhân nhiễm độc do sử dụng kem trộn đang được điều trị tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Ảnh: D.L
Nâng cao ý thức, xử lý nghiêm
Liên quan đến vấn nạn kem trộn, ngày 16.5, Phòng Cảnh sát môi trường (CA tỉnh) phối hợp với Thanh tra Sở Y tế và CA huyện Phù Mỹ kiểm tra nơi sản xuất mỹ phẩm của Nguyễn Thị Uông Nguyên (ở Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ). Tại đây, lực lượng chức năng đã lập biên bản, tạm giữ hơn 2.000 sản phẩm thuộc 29 loại khác nhau do cơ sở của Nguyên sản xuất, như: Kem trộn mẹ chồng Nguyên Đô, kem ủ sứ Nguyên Đô, kem trộn loại siêu tốc Nguyên Đô... cùng hàng loạt các nguyên vật liệu như bột tắm trắng, kem kích trắng, kem ủ...
Hiện tại, số hàng trên đang được cơ quan CA và các đơn vị liên quan thẩm tra, xác minh về chất lượng. Bên cạnh việc bán trực tiếp cho người tiêu dùng, số sản phẩm trên còn được bán theo hình thức trực tuyến (livestream) trên Facebook với 500 - 1.000 sản phẩm được bán ra mỗi ngày.
Điều đáng chú ý, cơ sở này đã 2 lần bị lực lượng chức năng xử phạt hành chính, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động chế, trộn các nguyên vật liệu không rõ nguồn gốc rồi đóng gói, bán cho người tiêu dùng.
Theo Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường (CA tỉnh) Nguyễn Hữu Lợi, việc cơ sở kinh doanh của bà Uông Nguyên tái phạm, trước hết vì công tác quản lý tại địa phương còn lơi lỏng, một phần cũng bởi nhu cầu của người tiêu dùng khi không ít người sẵn sàng bỏ ra hàng trăm nghìn đồng mua các loại kem ủ, kem trộn chưa được kiểm chứng.
“Để chấm dứt tình trạng này, các cơ quan, ban, ngành, chính quyền cần làm tốt công tác quản lý các cơ sở kinh doanh tại địa phương. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về tác hại của kem trộn với sức khỏe người dùng trên các phương tiện thông tin đại chúng; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật”, thượng tá Lợi nói.
DƯƠNG LINH