BÀ TRẦN ÁNH TUYẾT, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG:
Hoạt động xuất khẩu của tỉnh ổn định, bền vững
Xuất khẩu tăng trưởng chứng tỏ việc triển khai các giải pháp, kế hoạch phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh của tỉnh đạt hiệu quả tốt. Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn bà Trần Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Công Thương, về kết quả xuất khẩu của tỉnh trong những tháng đầu năm.
Bà TRẦN ÁNH TUYẾT. Ảnh: H.Y
*4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của tỉnh đạt kết quả khá tốt. Cụ thể như thế nào, thưa bà?
- 4 tháng đầu năm 2022, tình hình KT-XH của tỉnh ta đạt được nhiều kết quả khả quan. Cả hoạt động sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu (KNXK) tiếp tục tăng trưởng khá tốt. Sở Công Thương luôn theo dõi tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi giúp DN ổn định sản xuất và xuất khẩu. Từ đầu năm 2022 đến nay, KNXK liên tục tăng, tháng sau cao hơn so với t háng trước.
KNXK 4 tháng đầu năm 2022 tăng 21,8% so cùng kỳ năm 2021 và đạt 39,8% so với kế hoạch năm 2022. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nhờ chúng ta đã đa dạng hóa được thị trường, đối tác, khách hàng nên dù từ cuối tháng 2.2022 đến nay, chiến tranh giữa Nga và Ukraine khiến việc xuất khẩu khoáng sản, gỗ tinh chế ngoại thất sang thị trường Nga; sản phẩm thủy sản sang thị trường Ukraine bị ảnh hưởng lớn nhưng vẫn không làm ảnh hưởng nhiều đến KNXK của tỉnh ta.
* Những ngành nào có tỷ lệ KNXK tăng cao, thưa bà?
- KNXK trong tháng 3.2022 ước đạt 150,3 triệu USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả quý I/2022, KNXK ước thực hiện 410,2 triệu USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ và đạt 30,4% kế hoạch năm.
Trong quý I/2022, chúng ta có nhiều ngành hàng, sản phẩm có KNXK tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Điển hình là: Mì và các sản phẩm từ mì, ước đạt 9,4 triệu USD, tăng 185,4%; thủy sản ước đạt 38,7 triệu USD, tăng 106,5%; hàng dệt may ước đạt 62,6 triệu USD, tăng 65,4%; sản phẩm chất dẻo ước đạt 65,1 triệu USD, tăng 33,4%. Bên cạnh đó, có một số ngành hàng tuy tỷ lệ tăng thấp hơn bình quân chung nhưng do giá trị sản phẩm cao nên kim ngạch thu về rất lớn. Ví dụ sản phẩm gỗ tinh chế, tuy chỉ tăng 21,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá trị kim ngạch lên tới 150,6 triệu USD.
Công nhân Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn sơ chế tôm xuất khẩu. Ảnh: HẢI YẾN
Ở một góc nhìn khác, lấy ví dụ là ngành chế biến giường, tủ, bàn, ghế, KNXK tăng chỉ 13,28% so với năm ngoái. Nhưng con số này được xem là khá cao do xuất khẩu ngành này gần như đã bão hòa. Con số này còn có ý nghĩa rất lớn khi tăng trưởng của ngành góp phần tạo ra nhiều việc làm, tham gia ổn định an sinh xã hội cao. Ngay trong thời gian dài chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhiều DN ngành này vẫn nỗ lực ổn định sản xuất và kết nối được với các thị trường nước ngoài. Nhờ vậy, từ năm 2021, nhiều DN sớm có sẵn đơn hàng để mở rộng sản xuất trong năm 2022. Đây là tín hiệu rất tích cực góp phần thúc đẩy ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu phát triển ổn định, góp phần vào tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
* Bà đánh giá mức độ ổn định trong hoạt động xuất khẩu ở tỉnh ta như thế nào, có bền vững không?
- Dù KNXK tăng cao nhưng vẫn có một số mặt hàng có KNXK giảm so với cùng kỳ năm 2021: Gạo ước đạt 11 triệu USD, giảm 26%; quặng và khoáng sản khác ước đạt 9,8 triệu USD, giảm 25,5%; giày dép các loại 1,22 triệu USD, giảm 25,2%... Nhưng như đã nói ở trên, trước mắt ảnh hưởng từ nhóm này không nhiều.
Bạn hỏi đến tính bền vững thì tôi thấy cần phải lùi lại một chút. Năm 2021 là năm mà các DN xuất khẩu trong cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng với tỉnh ta KNXK vẫn đạt và tăng rất ấn tượng. Tháng 6.2021, dịch bùng phát rất mạnh nhưng mới đến tháng 9.2021, nhiều DN đã ổn định sản xuất trở lại. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: Gạo, đồ gỗ các loại, bàn ghế nhựa giả mây, thủy sản, dệt may, da giày... dù chịu tác động lớn của dịch bệnh nhưng các DN vẫn hoàn thành đơn hàng và đạt kế hoạch sớm hơn dự kiến .
Thành công này xuất phát từ nỗ lực rất lớn của chính các DN. Và để giúp DN sớm vượt qua khó khăn, Nhà nước cũng ban hành nhiều hỗ trợ, khai thông nhiều vướng mắc giúp họ duy trì và phục hồi sản xuất nhanh chóng. Tỉnh ta rất quan tâm tới lĩnh vực này, đặc biệt lãnh đạo tỉnh thường xuyên đi thăm, động viên, lắng nghe và tạo điều kiện giúp đỡ các DN. Chính nhờ đó mà trong năm 2021, DN xuất khẩu của tỉnh đã chủ động ký kết nhiều đơn hàng, đảm bảo sản xuất đến hết quý II/2022.
DN nỗ lực, chính quyền tích cực hỗ trợ, chúng ta có thể tin tưởng về tính ổn định. Hơn nữa, để nâng cao năng lực cạnh tranh của khối DN trong nước, tỉnh giao cho ngành Công Thương quan tâm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ xuất khẩu, xúc tiến thương mại các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, vốn là khu vực mà DN trong nước chiếm đa số. Thời gian qua, ngành Công Thương đã chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn các DN trong nước, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ tận dụng cơ hội để tăng cường xuất khẩu, chú trọng đào tạo nghiệp vụ phát triển thị trường..., tôi tin rằng xuất khẩu của tỉnh trong thời gian đến sẽ tiếp tục khả quan, ổn định và bền vững.
* Xin cảm ơn bà!
HẢI YẾN