NHÂN NGÀY QUỐC TẾ ĐA DẠNG SINH HỌC NĂM 2022:
Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống
Đó là chủ đề Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2022. Trong đó, hướng đến việc tăng cường kiểm soát các tác động tới đa dạng sinh học, như hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước; phương thức canh tác, khai thác kém bền vững; sinh vật ngoại lai xâm hại và các hoạt động gây ô nhiễm môi trường…
Tỉnh Bình Định có sự phong phú về địa hình và các phân vùng tự nhiên như miền núi, trung du, ven biển và vùng biển ven bờ. Đây chính là điều kiện hình thành và phát triển tính đa dạng sinh học. Trên địa bàn tỉnh có nhiều hệ sinh thái đặc hữu với nhiều loài nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng, cần ưu tiên bảo vệ. Điển hình là tại Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn thuộc xã An Toàn (huyện An Lão), hiện có 2 loài vượn má hung và chà vá chân xám là những loài thuộc danh sách loài rất nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng và cần phải được bảo tồn chặt chẽ. Ngoài ra, các loài chình mun, chình bông trên đầm Trà Ổ; cá mòi cờ hoa, cá mòi mõm tròn, cá măng sữa trên đầm Thị Nại là những loài thủy sản quý, hiếm, có mức độ nguy cấp cao và cần ưu tiên bảo vệ. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có các di sản thiên nhiên như: Thắng cảnh Ghềnh Ráng, di tích danh thắng Hầm Hô, di tích lịch sử và thắng cảnh Khu căn cứ Núi Bà, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Thành Tà Kơn và Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn.
Quan trắc đánh giá rạn san hô tại khu vực Hòn Sẹo (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn). Ảnh: Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm
Tuy nhiên, các hệ sinh thái bị suy thoái đang diễn ra rất nhanh chóng vì phải đối mặt với các mối đe dọa lớn từ nạn chặt phá rừng, ô nhiễm nước hồ, sông suối; các vùng đất ngập nước trở nên khô hạn; vùng biển và ven biển bị suy giảm chất lượng và bị khai thác quá mức. Trong những năm qua, công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở đầm Trà Ổ, đầm Thị Nại, Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn và một số khu vực khác đã được quan tâm thực hiện. Trong đó, việc nâng cao ý thức cho người dân và thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng đang cho thấy những hiệu quả tích cực.
Đơn cử như việc thành lập các Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản để bảo vệ 4 rạn san hô tại một số khu vực ven biển Quy Nhơn từ đầu năm 2020, đến nay đã thu được nhiều kết quả hết sức khả quan. Việc thành viên các tổ khoanh vùng, quan trắc và thường xuyên nhắc nhở người dân khai thác thủy sản, hoạt động du lịch không làm ảnh hưởng đến hệ thống rạn san hô giúp hệ sinh thái khu vực này hồi sinh mạnh mẽ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) tích cực triển khai. Nhờ đó, nhiều ngư dân nhận biết được các loài cần bảo vệ, qua đó thường xuyên giao nộp các loài rùa biển quý hiếm để các cơ quan chức năng thả lại môi trường tự nhiên…
Bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: “Những năm qua, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, ngành đã dành nhiều sự quan tâm hơn đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Nhiều dự án đã được triển khai, bước đầu đem lại những kết quả khả quan trong việc khôi phục môi trường tự nhiên, bảo tồn nhiều giống loài quý hiếm. Tuy nhiên, để công tác bảo tồn đa dạng sinh học đạt được hiệu quả cao hơn, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo tồn, phục hồi, sử dụng bền vững đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và có trách nhiệm, không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã và không sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần”.
Một trong những vấn đề cần quan tâm hiện nay là việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, số hóa quản lý di sản thiên nhiên chưa nhận được quan tâm đúng mức, trong khi các cấp ngành đang hướng tới việc số hóa công tác quản lý, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng cần được tăng cường, để kết nối với địa phương, từng vùng di sản thiên nhiên, xây dựng và triển khai thực hiện dự án chuyển đổi số, tăng cường năng lực; hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, công cụ và thực hiện điều tra, kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học.
Th.S Trần Văn Bằng, Phó viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, cho biết: “Một số khu vực ở tỉnh Bình Định có hệ sinh thái khá đa dạng. Tuy nhiên, với nhiều tác động, trong đó chủ yếu là do con người, không ít loài đã suy giảm đáng kể về số lượng. Bên cạnh đó, công tác điều tra, thống kê để có những số liệu vẫn còn chưa được quan tâm đúng mức nên việc đánh giá về một hệ sinh thái còn mang nhiều cảm tính. Hiện nay, các cơ quan thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học đang phối hợp xây dựng bộ tiêu chí, từ đó, có căn cứ cụ thể xác định mức độ ở từng khu vực, nhằm đưa ra giải pháp phù hợp trong khôi phục hệ sinh thái”.
HOÀNG QUÂN