Tầm soát và khám sức khỏe định kỳ: Biết bệnh để điều trị sớm
Tầm soát và khám sức khỏe định kỳ giúp chủ động nhận biết tình trạng sức khỏe để sớm điều trị nếu phát hiện bệnh. Đặc biệt, khi đời sống, sinh hoạt và môi trường đô thị có mức độ căng thẳng ngày càng cao, việc khám sức khỏe định kỳ càng cần thiết hơn.
Theo nhiều bác sĩ ở Khoa Ngoại tổng hợp (BVĐK tỉnh), không ít bệnh nhân đến đây để khám bệnh này nhưng lại bất ngờ phát hiện bệnh khác còn nguy hiểm hơn. Trường hợp bé H.M.T (5 tuổi) là một ví dụ. Em được gia đình đưa đến khám một bệnh thông thường, qua siêu âm bác sĩ phát hiện ra bé mắc bệnh thận ứ nước bẩm sinh. Theo bác sĩ CKII Phạm Văn Phú, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, thận ứ nước bẩm sinh thường gây đau bụng nhưng có thể bé còn nhỏ và gia đình không để ý nên không biết được, chỉ khi siêu âm mới phát hiện ra. Có thể nói, bé H.M.T đã may mắn khi bệnh được phát hiện sớm.
Khám tầm soát bệnh tại Phòng khám đa khoa quốc tế Thu Phúc. Ảnh: T. KHUY
Hầu hết những trường hợp kiểu như bé T. ở trên đều là những người không thực hiện tầm soát và khám sức khỏe định kỳ. Để sớm nhận biết chính xác tình trạng sức khỏe, bác sĩ, chuyên gia y tế khuyến khích mọi người nên thực hiện thao tác này. Tầm soát và khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện những yếu tố nguy cơ gây bệnh có thể gặp; khám và cho hướng điều trị các bệnh mãn tính; đặc biệt tầm soát sức khỏe giúp điều trị bệnh kịp thời và hiệu quả…
Mặc dù chưa có thống kê chính thức nhưng nhiều chuyên gia y tế tin rằng việc đô thị phát triển nhanh, áp lực công việc ngày càng cao, lối sống ít vận động khiến các cư dân ở đô thị ngày càng dễ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, tim mạch; đặc biệt, độ tuổi trung bình của các trường hợp đột quỵ ngày càng trẻ hơn. PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Phó Chủ tịch Liên chi Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP Hồ Chí Minh, cho biết: Tại Việt Nam chỉ 29,1% bệnh nhân hen được điều trị dự phòng, tại Bình Định theo phỏng đoán tỷ lệ này cũng rất thấp. Tình hình chung của cả nước là đa số bệnh nhân hen đến viện khi đã chuyển nặng. Như vậy rất nguy hiểm. Cùng với việc cải thiện môi trường sống, thay đổi lối sống tích cực thì việc tầm soát, sàng lọc, phát hiện bệnh để tránh những nguy cơ không đáng có cũng rất quan trọng.
Đối với các bệnh mạn tính, đây được xem là “sát thủ thầm lặng”. Theo các chuyện gia, bệnh mạn tính nếu được tầm soát sớm có thể chủ động phòng ngừa và can thiệp sớm trong điều trị; giảm 80% nguy cơ biến chứng đột quỵ, đột tử; tăng hiệu quả điều trị lên đến 80% và giảm tác dụng phụ và chi phí. Theo các chuyên gia y tế nên thực hiện sàng lọc sức khỏe 1 lần/năm. Tuy nhiên, theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) khoảng thời gian để kiểm tra sức khỏe còn tùy vào độ tuổi, tiền sử bệnh cá nhân và gia đình, các bác sĩ sẽ có lời khuyên phù hợp. Để tránh những tốn kém không cần thiết, đối tượng trong độ tuổi từ 18 - 30 nên làm các xét nghiệm: Các bệnh lây qua đường tình dục, sinh sản, tiền hôn nhân, viêm gan B, viêm gan C… Độ tuổi 30 - 40 tuổi nên tầm soát các bệnh liên quan đến: Tim mạch, rối loạn lipid máu, tiểu đường, gout, ung thư phụ khoa. Độ tuổi trung niên nên tầm soát: Tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, xương khớp, ung thư…
Sỏi mật là bệnh ít triệu chứng và khó nhận biết, do vậy, theo các bác sĩ, siêu âm bụng khám sức khỏe định kỳ là điều nên làm. TS.BS Nguyễn Thái Bình, Phó trưởng đơn vị Đột quỵ (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội), cho biết: Bệnh sỏi mật nếu để lâu có thể có những biến chứng nguy hiểm, điều trị khó khăn, tốn kém. Hơn nữa, ung thư đường mật là một trong những biến chứng thường gặp của sỏi mật và viêm đường mật mạn tính. Đây là loại ung thư hầu như không đáp ứng với tia xạ, hóa chất.
ĐỖ THẢO