Thả rùa về với biển
Ngày 30.4, cá thể vích thuộc họ rùa biển nặng 7 kg vẫy liên tục hai chân trước khi được cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh đưa từ từ xuống mặt nước biển. Chỉ mấy giây sau, “sứ giả của đại dương” đã lặn mất tăm hơi.
Trước đó, vào tối 29.4, khi đang làm nghề chồ rớ tại khe Đá trên đầm Thị Nại, ngư dân Võ Ngọc Lai (ở khu phố 9A, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) phát hiện con vích 7 kg kể trên mắc vào lưới. Ngay sáng sớm 30.4, anh báo Chi cục Thủy sản tỉnh; tầm 9 giờ cùng ngày, con vích đã được về với biển.
Trước nữa, chiều 12.4, ngư dân Lê Văn Cư (ở khu phố 7, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) trong lúc khai thác thủy sản trên đầm Thị Nại cũng phát hiện một con đồi mồi khoảng 3 kg. Ngày hôm sau, Chi cục Thủy sản tỉnh đã tổ chức thả đồi mồi tại khu vực bãi Dứa, xã Nhơn Lý.
Thả đồi mồi về biển tại khu vực bãi Dứa, xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn ngày 13.4. Ảnh: ÁI TRINH
Ngoài hai sự việc đã nêu, còn có nhiều hành động ý nghĩa khác, góp phần bảo vệ động vật quý hiếm. Ở huyện Phù Cát, trong năm 2021, ngư dân Phan Đình Lin (ở xã Cát Khánh) đã giao nộp con vích nặng đến 129 kg để cơ quan chức năng thả về biển. Ông Nguyễn Văn Cường (ở thị trấn Cát Tiến) ra chợ thấy một con rùa biển còn sống nặng 28 kg; biết đây là loài quý hiếm, ông bỏ tiền ra mua và bàn giao Chi cục Thủy sản tỉnh. Hay, nhà hàng hải sản Hoàng Thao (ở xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) tình cờ thấy ngư dân bán một con đồi mồi to, đã bỏ tiền túi mua về rồi thả ra biển.
Không chỉ thả rùa lớn về biển, người dân vùng biển còn nỗ lực bảo vệ ổ trứng rùa, rùa mới nở và giúp chúng bò xuống biển. Theo thống kê, năm 2021, đãcó5 lượt rùa thuộc nhóm “đang bị đe dọa” lên bãi biển trước thôn Hải Đông (xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn) đẻ 476 quả trứng, được tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã bảo vệ và di dời đến nơi an toàn. Tính đến hết năm 2021, tại xã Nhơn Hải có 3 ổ rùa đã nở, hàng trăm rùa con đã bò xuống biển, hòa mình vào đại dương mênh mông.
Ở những làng chài vốn “khoái” thịt rùa biển trước đây, nay nhiều ngư dân đã kiên quyết “nói không” với việc ăn thịt rùa biển. Việc chủ động báo tin, tham gia vận động thả và cứu hộ rùa bị bắt, rao bán trên mạng, bảo vệ các ổ rùa đẻ trên cát ngày càng nhiều, thểhiện tinh thần tự giác, sự hiểu biết và thực thi đúng pháp luật trong công tác bảo vệ các loài động vật biển quý hiếm.
Trước đây, mỗi năm có 2 - 3 rùa biển được thả, nhưng chỉ mới 4 tháng đầu năm 2022 đã có đến 3 “sứ giả” được thả “về nhà”. Những “sứ giả của đại dương” từng “đi lạc” lúc trở về sẽ có thêm món “trang sức” - chiếc thẻ theo dõi được bấm lên vây.
“Đến giờ, như phản xạ, tôi và một số anh em khác hễ thấy rùa mắc lưới là đem nộp cơ quan chức năng. Bởi biết, mua, bán, vận chuyển rùa biển và các sản phẩm từ rùa biển là vi phạm pháp luật. Thả rùa về biển, rùa giúp làm sạch vùng biển và hỗ trợ các loài sinh vật khác dưới nước phát triển”, ngư dân Võ Ngọc Lai tâm sự.
NGỌC NGA