THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ11/NQ-CP:
Vốn ưu đãi hỗ trợ người dân phục hồi sau đại dịch
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, từ cuối tháng 4.2022 đến nay, toàn Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai giải ngân vốn vay ưu đãi đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.
Hộ vay phấn khởi
Trong các chương trình vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được phân bổ số vốn lớn nhất, đem đến niềm vui cho nhiều người lao động.
Vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP hỗ trợ các hộ dân tái sản xuất, trang trải chi phí nguyên vật liệu, phục hồi kinh tế. - Trong ảnh: Hộ dân làm chiếu cói ở TX Hoài Nhơn được hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm. Ảnh: N.M
Là hộ sản xuất bún, bánh bằng máy, chị Huỳnh Thị Dạ Thảo (ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng để đầu tư máy móc, nâng cao năng suất từ chương trình vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Chị kể: “Nhà đã có dàn máy sản xuất bún, bánh trị giá hơn 250 triệu đồng. Đại dịch vừa qua đã làm giá nguyên vật liệu tăng lên do phí vận chuyển tăng. Để chuẩn bị cho mùa sản xuất cao điểm bắt đầu từ giữa năm, tôi sẽ sử dụng số vốn được vay để mua thêm máy móc và nguyên liệu”.
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH TX An Nhơn thực hiện giải ngân đối với người lao động làm thủ tục vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Ảnh: PGD An Nhơn
Làm nghề may, nhiều năm nay, chị Phan Thị Hiền (cùng ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) đã nhận gia công hàng may mặc tại nhà. Cuối tháng 4.2022, chị đã vay 40 triệu đồng từ chương trình vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. “Vì ông xã thường xuyên đi làm xa nên tôi cáng đáng việc nhà, lo cho con cái. May gia công tại nhà sẽ thuận lợi hơn so với may ở xưởng, công ty. Số tiền vay vừa rồi đem đi đặt cọc, tôi nhận được nhiều hàng hơn để gia công tại nhà”, chị Hiền tâm sự.
Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, đến ngày 19.5, toàn chi nhánh đã giải ngân hơn 63,2 tỷ đồng cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP. Có 1.309 hộ đã được thụ hưởng từ các chương trình cho vay: Giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; nhà ở xã hội.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Nga, anh Phạm Văn Nhẫn (ở xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) vừa được giải ngân 100 triệu đồng. Sở hữu khoảng 10.000 cây mai, anh Nhẫn cho biết sẽ đầu tư vốn vay mở rộng vườn mai thêm 3 sào nữa. Với nghề “làm quanh năm, thu chỉ một mùa cận Tết”, vợ chồng anh cố gắng chăm sóc, phát triển vườn để vụ hoa Tết hiệu quả, sử dụng vốn vay hiệu quả.
Giải ngân nhanh chóng
Đến thời điểm hiện tại, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phù Cát đã giải ngân hơn 7,5 tỷ đồng vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đến khách hàng thuộc 3 chương trình vay: Giải quyết việc làm; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong đó, chương trình vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã giải ngân 142 khách hàng với tổng số tiền là 7 tỷ đồng, là địa phương giải ngân vốn vay cao nhất tỉnh.
“Cán bộ, nhân viên của phòng giao dịch và các tổ chức ủy thác đang nỗ lực để giải ngân nhanh, giúp hộ vay đủ điều kiện được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, khôi phục lại kinh tế”, ông Trần Quốc Đạt, Phó Giám đốc phụ trách Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phù Cát cho biết thêm.
Ngoài kế hoạch tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ - CP từ nguồn vốn Trung ương, các phòng Giao dịch cũng tranh thủ nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để thực hiện cho hỗ trợ nhân dân phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Ông Phạm Văn Thi, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH TX An Nhơn thông tin: Theo kế hoạch, năm 2022, UBND thị xã sẽ chuyển nguồn ngân sách của thị xã ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên cơ sở tham mưu thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nghề làng nghề trồng mai sau đào tạo nghề, song song với phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, ngân sách thị xã đã ủy thác thêm 1 tỷ đồng, vượt kế hoạch huy động nguồn vốn ngân sách địa phương tỉnh giao. Đến nay, Phòng giao dịch thị xã đã giải ngân hơn 5,5 tỷ đồng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.
“Đối với chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập, đến nay đã có hơn 400 học sinh, sinh viên được hỗ trợ vốn. Hai anh em Phạm Ngọc Hoạt (21 tuổi) và Phạm Ngọc Thắng (19 tuổi, ở xã Cát Tân, huyện Phù Cát) đã được vay 10 triệu đồng/em để mua máy tính. Em Hoạt (sinh viên năm 3 Học viện Bưu chính Viễn thông) chia sẻ: “Cha mẹ em làm nông, làm thợ hồ. Nuôi một lúc 3 đứa con, trong đó hai đứa đang học đại học ở TP Hồ Chí Minh, cha mẹ em chóng mặt. Số tiền vay này sẽ giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ khi cùng lúc sắm cho 2 đứa con mỗi đứa một cái laptop”
NGUYỄN MUỘI