Cửa biển An Dũ qua Di sản Mộc bản Triều Nguyễn
Cửa biển An Dũ nằm ở phường Hoài Hương, TX Hoài Nhơn, là nơi duy nhất mà sông Lại Giang hướng ra biển cả mênh mông. Từ thời nhà Nguyễn, cửa biển An Dũ đã giữ vị trí quan trọng cả về kinh tế và an ninh quốc phòng.
Theo Mộc bản Triều Nguyễn, sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 30 ghi về cửa biển (tấn) An Dũ như sau: “Cửa biển An Dũ ở phía Đông huyện Bồng Sơn, cát bồi ở cửa biển lên xuống thất thường, khi thủy triều lên sâu 5 thước, 6 tấc; thủy triều xuống sâu 2 thước, 4 tấc...”.
Cửa biển An Dũ. Ảnh: HUỲNH THÀNH
Cửa biển An Dũ là nơi xảy ra nhiều trận đánh lớn nhỏ giữa nhà Nguyễn Tây Sơn với nhà Nguyễn Gia Miêu. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 6, mặt khắc 24 ghi chép về trận đánh lớn, quyết liệt xảy ra vào năm Nhâm Tý (1792), như sau: “Mùa thu, tháng 7, vua thân đốc binh thuyền tiến đến cửa biển An Dũ. Sai bọn Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Đức Thiện chia quân làm ba đạo tiến đánh trường ván Lệ Dương, bọn giặc vỡ chạy, quân ta bắt được 30 chiếc thuyền biển mới đóng, còn thuyền sai, thuyền chiến cùng gỗ ván thì đốt cháy hết”.
2 năm sau, tức năm Giáp Dần (1794), hai bên lại tiếp tục đánh nhau tại đây: “Tháng 6, sai Nguyễn Văn Trương và Nguyễn Văn Nhân đem binh thuyền đánh giặc ở cửa biển An Dũ, cướp được hơn 10 chiếc thuyền lương, thừa thắng tiến thẳng đến cửa biển Đại Cổ Lũy (thuộc tỉnh Quảng Ngãi), đánh kho Phú Đăng. Tiết độ giặc là Nguyễn Văn Giáp thua chạy, (quân ta) vét hết lương thực rồi trở về”.
Sau khi đánh thắng nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long. Ngay sau đó, vào tháng 5, năm Nhâm Tuất (1802), vua Gia Long đã sai Tham luận Nguyễn Văn Thịnh và Cai hợp Võ Xuân Lý đến trông coi các cửa biển Kim Bồng, An Dũ và Hà Ra. Năm Giáp Tý (1864), khi tỉnh Bình Định tâu việc ở 4 đồn cửa biển là Thi Nại, Đề Gi, Kim Bồng và An Dũ, giặc thường lén lút nổi lên, vua Tự Đức đã sức cho các xã thôn đoàn kết dân dõng, mỗi đồn tùy nơi gồm 30 - 40 - 50 dân binh, miễn tạp dịch và chiểu cấp cho khí giới đồ binh để đi tuần phòng, răn đe giặc.
Ở cửa biển An Dũ có ngôi đền Thịnh Xuân (tên gọi khác là đền Tam thần, đền Tứ Dương) nổi tiếng linh thiêng, các thuyền bè đi lại nơi đây thường tới cầu đảo mong ra khơi được thuận buồm xuôi gió. Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9 có ghi về ngôi đền này như sau: “Đền thần Thịnh Xuân: Nằm ở thôn Thịnh Xuân, huyện Bồng Sơn. Thờ 3 vị thần: Một là Tứ Dương thành phủ quân, hai là Đà Dương phủ quân, ba là Thế Tử nhạc phủ quân. Sự tích đến đây chưa khảo được. Tương truyền đều là người tử tiết, sau khi chết hiển linh. Đền thờ ở gần cửa biển An Dũ, bãi cát hai bên thường bồi lấp, khi có thuyền vận tải, cầu đảo thì cửa lạch liền được rộng sâu...”.
Theo Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, thì mỗi lần gặp kỳ vận tải, cửa biển thường bị cạn, quan địa phương đến đền cầu đảo, sáng hôm sau liền thấy mở ra cửa biển mới, thuyền lớn, thuyền nhỏ ra vào rất thuận tiện, sau vài ba ngày lại bồi lấp như cũ. Việc cầu đảo linh nghiệm như thế nên bấy giờ, đền thần Thịnh Xuân nổi tiếng linh ứng khắp cả nước, đặc biệt là đối với dân đi biển.
Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 30 ghi chép về cửa biển An Dũ ở huyện Bồng Sơn, Bình Định. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Năm Canh Dần (1830), niên hiệu Minh Mạng thứ 11, vua đã sai người đến đây cầu khấn và định lệ hằng năm đều thực hiện việc này. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 65, mặt khắc 16 ghi rằng: “Cửa biển An Dũ ở Bình Định có đền Tứ Dương có tiếng linh thiêng, gặp kỳ vận tải cửa biển bị cát bồi, rồi lại thông, thuyền vận tải qua được. Tỉnh thần cho là có thần phù hộ, xin sửa lễ tam sinh để tạ. Vua y cho!”.
Trải nhiều thăng trầm của lịch sử, cùng với sự biến đổi của tự nhiên và thời tiết, cửa biển An Dũ đã dần dịch chuyển, bồi lấp, ảnh hưởng đến cuộc sống của ngư dân, việc làm sao để giữ ổn định cửa biển này hiện được các nhà khoa học nghiên cứu tìm ra giải pháp khắc phục bền vững.
CAO THỊ QUANG