Truyền thông điệp “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”
Trẻ, nhiệt tình, tâm huyết với nghề là điều mà nhiều đồng nghiệp nhấn mạnh khi nhắc đến giảng viên Lê Tiến Hán (32 tuổi, khoa Điện, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) - người đã mang về giải nhì cho giáo dục nghề nghiệp Bình Định tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021.
Vinh dự
Năm 2021, lần đầu tiên đoàn Bình Định tham gia Hội giảng với số lượng nhà giáo nhiều nhất, đạt giải với số lượng cao nhất từ trước đến nay. 6/6 tiết giảng đều đạt giải. Hơn 10 năm, Bình Định mới lại có giải nhì tại Hội giảng.
Thầy giáo Lê Tiến Hán hướng dẫn thực hành cho sinh viên. Ảnh: N.M
* Cảm xúc của anh khi mang về giải nhì cho Bình Định, cho trường?
- Tôi thật sự vui mừng, xúc động và vinh dự khi đạt được giải nhì tại Hội giảng toàn quốc. Với số điểm 91/100, tôi có điểm cao thứ 2 trong tiểu ban Kỹ thuật điện - Điện tử. Từ năm 2009 đến nay, giải nhì mới quay trở lại với Bình Định. Kết quả đầy vinh dự và phấn khởi này có sự hỗ trợ nhiệt tình của cả một tập thể ở phía sau tôi.
* Anh nhắc nhiều đến tập thể trong thời điểm mình đạt giải?
- Vâng! Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp 2021 lần đầu tiên được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Để phần dự thi của tất cả giáo viên diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp nhất, Sở LĐ- TB&XH, nhà trường đã chuẩn bị hết sức công phu về cơ sở vật chất, phương tiện, máy móc, hệ thống kết nối đường truyền. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu, ban cố vấn, lãnh đạo và giáo viên khoa Điện đã đồng hành với tôi trong công tác chuẩn bị trong nhiều tháng liền…
* Bên cạnh những cảm xúc, điều gì đọng lại trong anh sau Hội giảng toàn quốc?
- Một giám khảo đã nói với tôi rằng: “Tôi đã thấy được sự gắn kết, ân cần, tình cảm giữa thầy và trò, sự tôn trọng của người học dành cho người thầy. Đó là sợi dây liên kết về mặt tinh thần. Sự kết nối ấy không mang nặng không khí của một cuộc thi mà giống như một tiết học thực sự”.
Những đánh giá, nhìn nhận ấy gợi lên trong tôi nhiều suy ngẫm, giúp tôi định hướng được những mục tiêu, giải pháp trên con đường giảng dạy, đào tạo nghề trong thời gian đến.
Từng đạt giải nhì tại Hội giảng toàn quốc năm 2009, là thành viên của ban giám khảo hội giảng các cấp, ông Phạm Văn Tường, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn cho biết có nhiều yếu tố quan trọng để tạo nên một bài giảng ấn tượng.
“Trong đó, nỗ lực tự thân của mỗi nhà giáo là rất quan trọng. Tôi thường nhắn nhủ với các nhà giáo dự thi là mỗi người phải tìm ra được điểm nhấn, sự khác biệt trong bài giảng của chính mình thì mới tạo ấn tượng, ghi dấu ấn với ban giám khảo. Thầy Hán đã lĩnh hội được điều đó bằng cách chuẩn bị bài giảng rất công phu, trong suốt quá trình giảng luôn tạo được không khí vui tươi, cách giảng duyên dáng, nụ cười ấm áp luôn thường trực”, ông Tường nói.
* Vậy còn những bài học kinh nghiệm từ “sân chơi” này thì sao?
- Hội giảng toàn quốc được tổ chức theo hình thức trực tuyến nên lần đầu tiên các bài trình giảng đạt giải cao sẽ được lưu trữ, chia sẻ rộng rãi, trở thành kho học liệu bài giảng số để các nhà giáo tham khảo, sử dụng.
Vì thế, tôi có thể xem lại bài giảng của chính mình, các bài giảng của đồng nghiệp để gặt thêm nhiều kinh nghiệm. Trong đó, tôi nhận thấy mình còn phải trau dồi rất nhiều về kỹ năng truyền đạt để giúp người học nghề tiếp thu dễ dàng nhất. Học sinh, sinh viên (HSSV) phải thành thạo kỹ năng mới có thể vững bước trên con đường làm nghề sau này, góp phần nâng tầm lao động Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung.
Luôn học hỏi, “nâng cấp” bản thân
Chia sẻ về nhà giáo Lê Tiến Hán, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn Võ Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh: Thầy Hán là một thầy giáo trẻ, nhiệt tình, tâm huyết với nghề. Thầy luôn có ý thức học hỏi, tìm tòi, ứng dụng phương pháp mới trong giảng dạy, thu hút người học.
* Nhìn lại 10 năm gắn với đào tạo nghề, anh đã có những bước tiến như thế nào?
- Trước khi trở thành giảng viên khoa Điện, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, tôi là sinh viên ngành Tự động hóa tại khoa Điện, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định. Dù đã có một ít kinh nghiệm từ làm thêm khi là sinh viên, song những ngày đầu trở thành giảng viên của tôi vẫn đầy lý thuyết. Để làm những bài giảng của mình sống động, đầy đặn, thu hút HSSV, tôi nhắc mình tự học, cập nhật liên tục.
Tôi học từ các giảng viên đi trước, đặc biệt là thầy Tường, thầy Thìn, thầy Kiệm… theo chân các anh đi làm việc trong thực tế. Đối với tôi, mỗi người anh, mỗi người đồng nghiệp đi trước đều như một “người thầy”.
Năm 2017, tôi bắt đầu cộng tác, làm việc với Công ty TNHH Công nghệ cao Ngân Phát Energy, chuyên về mảng Năng lượng tái tạo - một lĩnh vực khá mới và đang phát triển mạnh mẽ. Tại đây, tôi được làm việc chung với kỹ sư, kỹ thuật viên kỳ cựu, giàu kinh nghiệm về nghề, tôi “chớp” ngay cơ hội tham vấn từ các anh về những điều mình còn lúng túng, chưa thông suốt. Đây là vốn quý để tôi nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng truyền đạt cho sinh viên. Tôi cũng tạo điều kiện để các em sinh viên của khoa được thực tập tại công ty, tiếp cận với công nghệ mới đầy hữu ích cho các em trên bước đường sau này.
Tôi cũng tiếp cận với các khóa học trực tuyến để học hỏi về các kỹ năng cần thiết trong bối cảnh hiện tại. Gần đây nhất, tôi đã tham gia một số khóa học online để bổ trợ kiến thức chuyên ngành như Autocad Shop drawings, Rivit mep, PLc....
Tôi tâm niệm: Học hỏi, tích lũy để ngày một vững vàng trong chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng là đòi hỏi bắt buộc trong mọi lĩnh vực. Người làm trong lĩnh vực giáo dục thì càng phải thường xuyên học tập, nâng cấp. Bởi chỉ cần dừng lại thì bản thân người đó đã tự thụt lùi, lạc hậu, tự đào thải chính mình.
* Bên cạnh năng lực sư phạm, năng lực nghề, kỹ năng giao tiếp với HSSV cũng rất quan trọng…
- Kỹ năng giao tiếp sẽ giúp rất nhiều cho giảng viên trong quá trình truyền đạt đến sinh viên. Trong giao tiếp với HSSV, tôi và các đồng nghiệp luôn giữ thái độ gần gũi để các em có thể dễ dàng chia sẻ, bày tỏ những suy nghĩ của mình, từ đó kịp thời định hướng, dẫn dắt các em.
HSSV ngày nay còn gọi là thế hệ “gen Z” đầy cá tính, nhạy cảm. Vì thế, người giáo viên phải luôn giữ được năng lượng dồi dào, tích cực, bắt kịp một số xu hướng của thế hệ các em để có thể tạo sự thấu hiểu, xóa mờ “khoảng cách thế hệ”.
“Với tinh thần chịu khó học hỏi và tự học, thầy Hán đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong kỹ năng nghề cũng như phương pháp sư phạm. Hiện nay, với tay nghề vững, thầy còn làm thêm đúng với chuyên môn tại DN. Thầy cũng là thành viên đội tuyển cầu lông, bóng chuyền của trường; đồng thời là cán bộ Công đoàn, Đoàn Thanh niên; luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, là một trong những giáo viên trẻ tiêu biểu của Khoa Điện”.
Trưởng khoa Điện TRẦN TRỌNG KIỆM
* Anh có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình đào tạo, dẫn dắt HSSV?
- Ngày mới về trường, tôi được phân công chủ nhiệm lớp Trung cấp khóa 5 Điện công nghiệp C. Trong lớp, em Tư (quê ở TX An Nhơn) có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha, nghỉ học sớm, đi làm nuôi mẹ. Sau một thời gian đi làm, Tư quyết định đi học nghề để có cuộc sống tốt hơn. Nhưng trong quá trình học, Tư bị các bạn dụ dỗ chơi cá độ bóng đá. Em nợ lên tới 20 triệu đồng, luôn phải nơm nớp lo sợ, nghỉ học, trốn kẻ đòi nợ. Biết được câu chuyện, tôi tìm gặp, trò chuyện với Tư. Với sự ủng hộ của lớp và người thân, Tư nỗ lực học tập, trả nợ dần dần. 6 tháng sau khi ra trường, em đã trả hết nợ.
Hiện tại, Tư làm kỹ thuật cho công ty chuyên lắp tủ điện ở tỉnh Bình Dương; đã lấy vợ, sinh con. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau.
Câu chuyện của Tư đã để lại cho tôi nhiều bài học quý giá trong công tác quản lý, đào tạo sinh viên. Việc đào tạo các em không thể chỉ tập trung vào kiến thức, kỹ năng nghề mà còn cần quan tâm đến đạo đức, cả kỹ năng sống.
*Người thầy luôn phải làm mới chính mình trên hành trình đào tạo. Nhưng, liệu có thông điệp nào mà anh đã lặp đi lặp lại với trò của mình trong những năm qua?
- “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Tôi đã liên tục lặp lại thông điệp quen thuộc này với sinh viên chỉ với một mong muốn là các em cần trở thành “một chuyên gia trong lĩnh vực bản thân mình theo đuổi”.
Bản thân tôi cũng đang nỗ lực theo đuổi phương châm sống ấy, phấn đấu trở thành một người thầy có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng và mang hết kinh nghiệm truyền dạy cho các em, để các em vững bước trên con đường lập nghiệp của mình.
* Xin cảm ơn anh! Chúc anh tiếp tục gặt hái nhiều thành công trên con đường giáo dục nghề nghiệp.
NGUYỄN MUỘI (Thực hiện)