Đồng hành và sẻ chia
Hành trình “chia ngọt sẻ bùi” của 2 cặp đôi: Chị Đào Thị Phương Viên - anh Nguyễn Cảnh Duy (xã Canh Vinh, huyện Vân Canh) và chị Bùi Thị Thu Thắm - anh Hoàng Ngọc Biên (xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân) là những trường hợp như vậy.
Khi vợ là điểm tựa
Nhìn người vợ tảo tần đang cặm cụi chuẩn bị hàng cho khách, anh Nguyễn Cảnh Duy không khỏi bồi hồi khi nhớ về lần khởi nghiệp đầu tiên của mình. “Ngày đó, tôi đã dồn hết vốn liếng, thậm chí vay mượn để đầu tư nhưng không may thất bại. Ôm nợ, tôi làm mất căn nhà của bố mẹ vợ, lâm vào bế tắc. Thế nhưng, không một lời trách móc, vợ vẫn bên cạnh, động viên và luôn nhắc nhở tôi không được bỏ cuộc”, anh Duy nhớ lại.
Vợ anh, chị Đào Thị Phương Viên, luôn đặt mọi sự tin tưởng và yêu thương nơi chồng. Từ người quen “ăn sung mặc sướng”, chị đối mặt với việc chồng phá sản, buộc phải làm nhiều việc mưu sinh, tìm cách trả nợ. Có những lần, từ tờ mờ sáng, chị vượt quãng đường gần 10 cây số để phụ làm tóc, trang điểm cho cô dâu; hay luôn tay luôn chân với hàng nước giải khát nhỏ đến tận khuya...
Vợ chồng chị Viên, anh Duy luôn đồng hành, chia sẻ với nhau. Ảnh: DƯƠNG LINH
Nhờ có hậu phương vững chắc, anh Duy dần lấy lại động lực. Sau bao vất vả, có cả mồ hôi và nước mắt, vợ chồng anh bước đầu thành công với cơ sở sản xuất chè mang tên Cazin, trả hết nợ, lấy lại căn nhà cho gia đình vợ.
Cũng đồng hành như anh Duy, chị Viên, vợ chồng chị Bùi Thị Thu Thắm - anh Hoàng Ngọc Biên đã lưu giữ những kỷ niệm đáng nhớ. Đó là những lần thâu đêm suốt sáng cùng nhau chuẩn bị gạo để làm bún đến mệt lả người; hay dầm mưa, vội vàng mang mẻ bún đang phơi ngoài sân vào nhà...
“Tôi vẫn nhớ rõ, điều chúng tôi lo sợ nhất là máy móc bị trục trặc, bởi máy đều phải vay mượn để mua sắm; không ít lần, máy hư đột xuất khiến tôi căng thẳng, cố gắng sửa chữa nhưng không có tác dụng. Cứ như vậy, tôi dần nản và muốn bỏ cuộc. Lúc ấy, vợ luôn động viên tôi cố gắng và cho tôi thêm niềm tin vào tương lai”, anh Biên chia sẻ.
Khi anh lặn lội đi tìm nguyên liệu tự nhiên để sản xuất ra sản phẩm mới, chị nấu những món anh thích, đợi anh về cùng ăn. Chị còn giao hàng giúp chồng để anh có thêm thời gian nghỉ ngơi. Chị tâm sự: “Thương lắm những lúc 2 vợ chồng người vo gạo, kẻ ép sợi... cứ thế đồng hành, tiếp thêm “lửa” cho nhau qua từng ngày”.
Tự tin sánh bước cùng chồng
Không dừng lại ở việc làm hậu phương vững chắc, cả chị Viên lẫn chị Thắm đều nỗ lực, thể hiện dấu ấn cá nhân trong sự nghiệp.
Song hành cùng chồng từ những ngày đầu lên rẫy, vào rừng hái lá làm chè, rồi được chồng hướng dẫn cách sử dụng các loại máy móc, chị Viên dần thuần thục và đảm nhiệm khâu đóng gói hàng. Bên cạnh đó, chị còn tìm hiểu sâu hơn các kiến thức về nông nghiệp để theo dõi chất lượng nguyên liệu, cùng anh phát triển sản phẩm mới. Chị cũng có vai trò chủ chốt trong việc thiết kế tem, bao bì cho sản phẩm.
Nhờ chung sức đồng lòng, các sản phẩm từ cơ sở sản xuất của vợ chồng chị dần được khách hàng đón nhận, trở thành sản phẩm đặc trưng cho địa phương (OCOP). Riêng chị Viên, cuối năm 2021, chị trở thành chủ cửa hàng chuyên bày bán các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Đảm nhiệm thêm vai trò mới, chị vừa xem đây là thử thách để học hỏi và tiến bộ, vừa là niềm tự hào với những gì bản thân đã làm được.
“Bên cạnh việc hỗ trợ chồng hết mình, tôi cũng mong muốn có cơ hội để tự mình trau dồi thêm kiến thức kinh doanh. Điều này giúp tôi thêm tự tin vào năng lực cá nhân, từ đó tạo động lực cho việc nâng cao trình độ, xây dựng sự nghiệp ngày càng phát triển”, chị Viên chia sẻ.
Còn với chị Thắm, là người nắm phương pháp làm nên những mẻ bún gạo khô truyền thống, dấu ấn của chị ghi đậm trong từng sản phẩm. Ngoài ra, chị còn đóng vai trò chính trong khâu tuyên truyền, quảng bá rộng rãi thương hiệu. Từ việc chỉ bán nhỏ lẻ, cơ sở bún gạo khô của gia đình chị dần mở rộng thị trường, có mặt tại nhiều cửa hàng hệ thống siêu thị trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận.
Không dừng lại ở đó, chị tạo thêm nhiều dòng sản phẩm khác như bún gạo nghệ, bún gạo hoa đậu biếc, bún gạo lức... nhằm nâng cao tính đa dạng và sự chuyên nghiệp cho thương hiệu Biên Thắm.
“Vì kỷ niệm gắn với sợi bún quá nhiều nên chúng tôi quyết định đặt tên thương hiệu bằng cách ghép tên của 2 vợ chồng. Ngoài ra, nó còn thể hiện cho sự quyết tâm, nỗ lực của tôi như lời khẳng định: Phụ nữ hoàn toàn đủ khả năng gầy dựng sự nghiệp, mang lại thành công cho bản thân và gia đình”, chị Thắm cười nói.
DƯƠNG LINH